Tăng cường Tiếng Việt cho học sinh người DTTS

GD&TĐ -  Trong năm 2023, ngành Giáo dục huyện Văn Quan phấn đấu 100% học sinh tiểu học người DTTS đọc thông, viết thạo Tiếng Việt.

Trường Phổ thông DTBT TH&THCS Liên Hội (huyện Văn Quan, Lạng Sơn). Ảnh: NC
Trường Phổ thông DTBT TH&THCS Liên Hội (huyện Văn Quan, Lạng Sơn). Ảnh: NC

Để góp phần đạt chỉ tiêu tỉ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông theo mục tiêu của Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội, ngành Giáo dục huyện Văn Quan triển khai các giải pháp phấn đấu 100% học sinh tiểu học người DTTS đọc thông, viết thạo Tiếng Việt.

Để thực hiện mục tiêu trên, huyện Văn Quan tiếp tục triển hai hiệu quả giai đoạn 2 Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”. Trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ, Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan (Lạng Sơn) đã đưa ra các mục tiêu cho năm 2023:

Phát triển nhóm, lớp mầm non, đảm bảo tỷ lệ huy động trẻ ra nhóm, lớp trong năm 2023 có ít nhất 65% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ, trên 100% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo.

100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi.

100% học sinh tiểu học người DTTS được tăng cường tiếng Việt bằng nhiều hình thức nhằm giúp cho các em đọc thông, viết thạo, đạt chuẩn kiến thức kĩ năng ở từng lớp học và chuẩn bền vững khi lên học ở cấp trung học cơ sở.

Phòng GD&Đ Văn Quan cũng phấn đấu 75% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và tiểu học dạy vùng DTTS được bồi dưỡng chuyên sâu về kiến thức, kỹ năng, phương pháp, cách thức tổ chức hoạt động tăng cường tiếng Việt; được bồi dưỡng, tự bồi dưỡng tiếng DTTS tại địa phương để giao tiếp.

Thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

Cha mẹ trẻ người DTTS được hướng dẫn, bồi dưỡng tập huấn phương pháp tăng cường tiếng việt tại gia đình và cộng đồng.

Phấn đấu 100% các trường mầm non, tiểu học tại các xã có học sinh DTTS cần tăng cường tiếng Việt tiếp tục được bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tài liệu, học liệu, đồ dùng, đồ chơi cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDMN và Chương trình GDPT 2018.

Đồng thời, trong năm 2023, các trường mầm non, tiểu học trong toàn huyện tiếp tục chỉ đạo, triển khai nhân rộng mô hình tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ