Tiếng Việt bị… vẩn đục

GD&TĐ - Đã 56 năm kể từ khi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động công cuộc “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Tuy nhiên, ngày càng nhiều cuộc tranh luận liên quan đến vấn đề này.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Mới đây trong gameshow “Vua tiếng Việt”, người chơi Nguyễn Thúy Hường đã trở thành “Vua tiếng Việt” với phần thưởng 180 triệu đồng – sau 4 câu thơ thất ngôn khá nôm na: “Biết bao di sản quý vô vàn/Thiên nhiên văn hóa cùng thời gian/“Cật lực” bảo vệ và gìn giữ/Trường tồn còn mãi với non ngàn”.

TS ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ - một trong số các cố vấn của gameshow “Vua tiếng Việt” mùa 1, giải thích rằng không phải 4 câu thơ ấy được trao thưởng 180 triệu đồng. Đó là phần thưởng cho cả một quá trình vì thí sinh đã trải qua nhiều vòng thi, nhiều câu hỏi mới đi đến được câu hỏi cuối cùng.

Về danh xưng “Vua tiếng Việt” khiến một số người dị ứng, bởi khó ai dám tự tin nhận mình là vua tiếng Việt. Dù có những ý kiến bất đồng, ông Vũ cho rằng, chương trình có tác dụng khơi dậy sự quan tâm và tình yêu với tiếng Việt trong công chúng, nhất là đối với học sinh, sinh viên.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng, những người thực hiện có ý đồ tốt - muốn làm một chương trình khơi gợi lòng yêu tiếng Việt, sử dụng tiếng Việt chính xác. Nhưng hình thức và nội dung chương trình chưa tốt khi nó đưa ra những phần thi khiến người chơi thể hiện sự cơ học, máy móc chứ không phơi bày được sự giàu đẹp, linh hoạt của tiếng Việt.

Ông Nguyên góp ý “nhà đài đừng vừa xây vừa phá”, khi mà một mặt làm chương trình tôn vinh tiếng Việt, nhưng lại có những chương trình mà ngay cái tên đã quay lưng với tiếng Việt. Ông ví dụ chương trình “Ngày xưa Chill phết” đáng lẽ hoàn toàn có thể dùng tiếng Việt là “Ngày xưa ngộ phết”.

Đã 56 năm kể từ khi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động công cuộc “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Tuy nhiên, ngày càng nhiều cuộc tranh luận liên quan đến vấn đề này. Đặc biệt khi tiếng Việt đang thay đổi khá nhanh theo hướng cẩu thả, trong cả cách viết – cách nói dẫn tới nguy cơ làm vẩn đục tiếng mẹ đẻ.

Sách báo in sai nhan nhản, ngay cả từ điển tiếng Việt vốn được xem là chuẩn mực cũng nhiều sai sót. Ngôn ngữ trên mạng mới thật sự đáng sợ, từ nói đến viết đều văng mạng, bất chấp các chuẩn mực cả về văn hóa ăn nói lẫn chuẩn mực tối thiểu về chính tả.

Từ “vãi” theo nghĩa dung tục được phát ra đầy hồn nhiên từ miệng những đứa trẻ, được viết rất tự nhiên trên những bức tường. Nói tiếng Việt “pha” ngoại ngữ, nói lóng, nói tiếp âm tràn lan: Yết kiêu vừa chứ, lỗ tấn to rồi, chớ hồng lâu mộng, vô lý thường kiệt…

Nhiều người cho rằng, xuất hiện từ mới hay cách nói tiếp âm như trên là bình thường, không nên khắt khe. Tuy nhiên, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không thể vượt ra ngoài vấn đề chuẩn hóa.

Đặc trưng của mỗi dân tộc chính là ngôn ngữ. Trong dòng chảy lịch sử, ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng và trở thành vốn văn hóa dân tộc. Ngôn ngữ luôn có sự biến thiên, bởi vậy cần “gạn đục khơi trong”, tốt thì sử dụng, xấu thì phải loại bỏ.

Nếu tiếng Việt bị vẩn đục, tức nền văn hóa cũng đang có vấn đề. Học giả Phạm Quỳnh đã khẳng định “tiếng ta còn, nước ta còn”. Không thể a dua theo trào lưu làm nghèo, làm xấu và làm méo mó tiếng Việt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.