“Thành công rồi!”, thí sinh Nguyễn Lạc, ở Kon Tum, với khuôn mặt rạng rỡ cho biết em đã điều chỉnh thành công nguyện vọng từ Đại học Nông Lâm TPHCM về Đại học Phạm Ngọc Thạch TPHCM. “Không ngờ việc điều chỉnh dễ như vậy”, em nói. Vừa rồi, kết quả điểm thi THPT của em đạt 28,5 đã giúp em mạnh dạn thay đổi nguyện vọng vào ngành học y đa khoa mà em ao ước.
Trong vòng khoảng mười ngày đã có hơn 300.000 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng thành công, chiếm tỉ lệ gần 50% tổng số thí sinh cả nước có điểm đủ điều kiện xét tuyển đại học. Công việc điều chỉnh nguyện vọng trước đây vốn mất khá nhiều thời gian đi lại thì nay diễn ra khá nhẹ nhàng. Chiếc đũa thần nào mang lại sự kỳ diệu đó?
Xin nói ngay đó chính là nhờ ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thi cử, cụ thể ở đây là phần mềm tuyển sinh đã được cải tiến cho phép một số lượng lớn thí sinh điều chỉnh trực tuyến mà không xảy ra nghẽn mạng. Hay nói cách khác, vai trò của công nghệ thông tin đã góp phần quan trọng trong việc hóa giải những phức tạp của kỳ thi quy mô lớn nhất nước thành đơn giản, nhẹ nhàng khiến xã hội thở phào.
Nhưng để có được kết quả như hôm nay, phần mềm đã phải liên tục được cải tiến nhờ những bài học khá đắt giá rút ra từ những mùa tuyển sinh trước; và tất nhiên trong đó phải kể đến trái tim và khối óc của những người thiết kế phần mềm mà chúng ta cần phải ghi nhận.
Thông tin từ Bộ GD&ĐT, ngay trong đợt 1 xét tuyển đã có tới 170 đơn vị tuyển đủ chỉ tiêu. Nếu tính từ mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên thì con số này lên tới 234 đơn vị (chiếm 73% số đơn vị tuyển sinh).
Một điểm mới rất đáng chú ý của kỳ thi năm nay là quy định cho phép thí sinh đăng ký nguyện vọng trước khi thi và sau khi có điểm thi lại cho điều chỉnh nguyện vọng. Quy định cho phép thí sinh đăng ký nguyện vọng ngay khi làm hồ sơ dự thi nên đã tiết kiệm được một khoảng thời gian lớn.
Và tất nhiên còn tiết kiệm các mặt khác như công sức, tiền bạc, sự đi lại. Nhưng vấn đề có ý nghĩa lớn hơn là việc cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi đã tạo điều kiện cho thí sinh tiếp cận tốt hơn trường, ngành học phù hợp năng lực của mình, cơ hội trúng tuyển cũng cao hơn, hạn chế thấp nhất tình trạng rớt oan dù điểm thi cao do chọn sai ngành. Phía nhà trường cũng tuyển được sát đối tượng đào tạo hơn.
Có thể thấy việc cho phép điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả điểm thi đã làm cho kỳ thi trở nên công bằng hơn trong việc tuyển chọn thí sinh. Hiện vẫn còn nhiều kỳ thi chưa làm được điều này. Chẳng hạn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở các địa phương. Dù quy mô kỳ thi này nhỏ hơn nhiều nhưng các sở GD&ĐT địa phương còn lúng túng.
Những nghịch lý của kỳ thi như điểm cao vẫn rớt oan, phải đi học xa do chọn sai trường... vẫn còn đó gây không ít nuối tiếc lẫn bức xúc cho phụ huynh. Hy vọng với cách làm ở kỳ xét tuyển đại học sẽ giúp địa phương có kinh nghiệm để cải tiến các kỳ thi của mình.
Tuy nhiên, dù xứng đáng nhận được nhiều lời khen nhưng cũng phải khách quan nhìn nhận tại kỳ thi này số thí sinh điều chỉnh nguyện vọng còn cao. Nguyên nhân chính được cho là do điểm thi bình quân năm nay cao hơn năm trước. Từ điểm thi cao khiến nhiều trường phải thay đổi điểm chuẩn. Điều này cho thấy tính ổn định của kỳ thi chưa cao. Ngoài ra vẫn còn không ít thí sinh chưa đánh giá đúng năng lực của mình, chưa được hướng nghiệp tốt.
Mới đây, tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh việc đổi mới kỳ thi THPT quốc gia đã đạt nhiều kết quả tốt. Đồng thời Bộ trưởng khẳng định Bộ đang hướng đến một kỳ thi ổn định, tăng độ phân hóa, tính đến các yếu tố kỹ thuật để kỳ thi THPT quốc gia được hoàn thiện hơn, nhẹ nhàng hơn.
Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương phải rà soát, tổ chức lại công tác tuyển sinh đầu cấp. Bộ trưởng đề nghị các cục, vụ chuyên môn của Bộ GD&ĐT và các Sở GD&ĐT nhanh chóng tìm giải pháp khắc phục để các kỳ tuyển sinh đầu cấp trở nên nhẹ nhàng hơn.