(GD&TĐ)-Sau 10 năm tổ chức đào tạo giáo viên giáo dục QPAN, từ khi có chỉ thị 08/2002/CT-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, sự thiếu hụt đội ngũ giáo viên giáo dục QPAN đã được khắc phục, góp phần nâng cao chất lượng chất lượng dạy học nội dung này tại các trường.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga trao bằng khen cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong GDQP-AN. Ảnh: gdtd.vn |
Đó là ý kiến đánh giá chung của các sở GD&ĐT, các trường ĐH tại Hội nghị - hội thảo tổng kết 10 năm đào tạo giáo viên GDQP-AN do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng nay (14/6) tại Hà Nội.
Hơn 4400 giáo viên được đào tạo ngắn hạn
Ông Phạm Thành Công – Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục QPAN (Bộ GD&ĐT) cho biết, tính đến năm 2011, có 11 cơ sở đào tạo đã tiến hành tuyển sinh đào tạo được 9 khóa ghép môn và hầu hết là ghép môn thể dục với GDQP. Đến năm 2012, cả nước có hơn 4400 giáo viên được đào tạo ngắn hạn 6 tháng giáo viên GDQP và hơn 1500/4000 giáo viên đào tạo ghép môn với GDQP đã tốt nghiệp.
Địa phương tiến hành đào tạo giáo viên GDQP-AN sớm nhất là sở GD&ĐT Thanh Hóa; địa phương chủ động đào tạo được nhiều giáo viên QPAN nhất là Sở GD&ĐT TP. HCM với hơn 370 giáo viên. Cơ sở đào tạo nguồn đội ngũ giáo viên GDQP AN lớn là ĐH Huế, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Vinh, ĐH Sư phạm Hà Nội II.
Theo ông Phạm Thành Công, Chỉ thị của Bộ trưởng đã tác động mạnh mẽ và kịp thời đến các cơ sở giáo dục trong điều kiện phải xây dựng đội ngũ giáo viên chuyên trách GDQP từ con số không. Nhiều địa phương đã quyết tâm đào tạo ngay từ những năm đầu tiên bằng nguồn ngân sách địa phương để có được đội ngũ ban đầu đáp ứng nhu cầu cấp bách về đội ngũ giáo viên của môn học. Đến nay, hầu hết các địa phương đã có đủ giáo viên để giảng dạy môn học này theo phân phối chương trình...
Vẫn còn nhiều khó khăn
Qua 10 năm thực hiện chỉ thị của Bộ trưởng, việc đào tạo giáo viên GDQP-AN dù đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ, tuy nhiên, về cả phía Bộ GD&ĐT cũng như các Sở GD&ĐT và các trường, đều cho rằng còn nhiều khó khăn. Tổng kết chung những tồn tại sau 10 năm thực hiện, Bộ GD&ĐT cho rằng, nhận thức của cơ quan quản lý, chỉ đạo các cấp đối với GDQP-AN trong chiến lược xây dựng và bảo vệ tổ quốc chưa sâu sắc. Việc chỉ đạo thực hiện chỉ thị của Bộ trưởng còn thiếu kiên quyết và chưa có các giải pháp đồng bộ dẫn đến hiệu quả công tác đào tạo chưa cao; việc phối hợp chỉ đạo giữa các bộ, ngành và địa phương còn thiếu tính chặt chẽ.
Theo đại diện của ĐH Huế, số sinh viên qua đào tạo QP-Thể chất nhận thức về chính trị chưa cao, kỹ năng sư phạm khi dạy trên lớp chưa đáp ứng nhu cầu; công tác thực tập sư phạm ở các trường phổ thông gặp không ít khó khăn. Với quy mô đào tạo ở ĐH Huế từ 3 - 4 lớp xấp xỉ 200 sinh viên/năm, đội ngũ giảng viên của trung tâm còn chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Đại diện ĐH Huế cho rằng, cần có định hướng rõ nét về biên chế giảng viên cho trung tâm đáp ứng nhu cầu và yêu cầu đào tạo chuyên ngành. Bên cạnh đó tăng khối lượng kiến tập và thực tập sư phạm, có quy định phù hợp và đánh giá chính xác công tác thực tập sư phạm ở các trường THPT; từ nay đến năm 2015 từng bước hạn chế đi đến không tuyển sinh chuyên ngành cử nhân sư phạm GDQP ghép với GDTC.
Đại diện ĐH Sư phạm TP. HCM thì đưa ra những khó khăn liên quan đến đội ngũ giảng viên, hệ thông thao trường, bãi tập, hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo ….Đại diện ĐH SP Hà Nội thì đề cập đến một thực tế là cử nhân GDQP-AN ra trường khó tìm được việc làm….
Tại hội nghị, một số ý kiến đề nghị được đào tạo văn bằng 2 giáo viên GDQP-AN tại địa phương theo hình thức liên kết đào tạo giữa các trường ĐH, CĐ và các trường quân sự ở địa phương như đào tạo ngắn hạn trước đây.
Một số địa phương hiện nay vẫn chưa đủ đội ngũ giáo viên được đào tạo ngắn hạn để giảng dạy theo phân phối chương trình, đề nghị được tiếp tục đào tạo ngắn hạn để tạo nguồn đội ngũ giáo viên….
Hội nghị - hội thảo tổng kết 10 năm đào tạo giáo viên GDQP-AN. Anhr: gdtd.vn |
Cần chuẩn hóa đội ngũ giáo viên GDQP-AN
Đây là ý kiến của hầu hết các đại biểu trong hội thảo. Liên quan đến vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết, để có thể tiến tới chuẩn hóa giáo viên GDQP-AN vào năm 2020, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với các Bộ, ban ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án đào tạo giáo viên GDQP-AN theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, từ năm 2012, Bộ sẽ giao chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 cho các cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo tại QĐ 472 và từ năm học 2013-2014 sẽ tuyển sinh đào tạo giáo viên GDQP-AN hệ chính quy 4 năm. Đến nay, hầu hết các địa phương đã có kế hoạch đăng ký cử giáo viên đi đào tạo văn bằng 2.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga tại hội nghị - hội thảo cũng khẳng định cần tiếp tục đào tạo và đào tạo lại tiến tới chuẩn hóa đội ngũ giáo viên GDQP-AN. Thứ trưởng yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ sở đào tạo khẩn trương hoàn thiện mở ngành đào tạo giáo viên GDQP-AN theo quyết định 472 của Thủ tướng Chính phủ; trình Bộ trưởng ra Quyết định giao chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 giáo viên GDQP-AN ngay trong năm 2012. Từ năm học 2013-2014 tuyển sinh đào tạo giáo viên GDQP-AN hệ đào tạo chính quy tập trung 4 năm. Tuy nhiên, nếu cơ sở đào tạo đã có quyết định của Bộ GD&ĐT về việc mở ngành đào tạo giáo viên GDQP-AN có đủ điều kiện có thể xét tuyển NV2 cùng kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012-2013 cho hệ đào tạo chính quy tập trung 4 năm và báo cáo về Bộ.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng đề nghị các địa phương cần cử giáo viên đi đào tạo văn bằng 2 chứ không đào tạo ngắn hạn theo đúng hướng dẫn của Bộ; đồng thời, khẩn trương có kế hoạch tuyển dụng, xác định biên chế chuyên trách giáo viên GDQP-AN để sớm ổn định, phát triển và chuẩn hóa đội ngũ. Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các ban ngành hữu quan trong việc xây dựng chương trình đào tạo...
Hiếu Nguyễn