Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nắng và gió là cơ hội Quảng Trị phát triển

GD&TĐ - Có nguồn năng lượng gió dồi dào để phát triển điện gió, có nắng để phát triển năng lượng điện mặt trời, đó là lợi thế đặc biệt của Quảng Trị

TS Trần Đình Thiên nói, nắng và gió đang trở thành cơ hội phát triển của Quảng Trị.
TS Trần Đình Thiên nói, nắng và gió đang trở thành cơ hội phát triển của Quảng Trị.

Sáng 7/9, tại TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Công thương, Báo Công thương tổ chức hội thảo “Quảng Trị: Hiện thực hóa tầm nhìn Trung tâm năng lượng miền Trung”.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu, gồm: lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, các chuyên gia kinh tế - năng lượng, các Sở, ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, tập đoàn, nhà đầu tư năng lượng.

Các chuyên gia phát biểu về tiềm năng phát triển năng lượng.

Các chuyên gia phát biểu về tiềm năng phát triển năng lượng.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, chuyên gia, nhà đầu tư bàn thảo những giải pháp, tháo gỡ những vướng mắc, góp phần phát triển năng lượng tại Quảng Trị bền vững, hiệu quả.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phùng Mạnh Ngọc – Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực cho biết, theo dự báo, Quảng Trị có công suất tiềm năng về năng lượng tới hơn 14.000 MW. Trong đó, những lĩnh vực tiềm năng nhất là điện khí, điện gió, điện mặt trời. Tỉnh Quảng Trị còn nhiều dư địa để phát triển năng lượng nói chung, năng lượng tái tạo nói riêng.

“Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030, đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung, trên cơ sở phát triển năng lượng một cách bền vững; tận dụng và sử dụng hiệu quả các tiềm năng năng lượng tái tạo đồng thời phù hợp định hướng quy hoạch điện VIII”, ông Phùng Mạnh Ngọc nói.

Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu tại hội thảo.

Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu tại hội thảo.

Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, địa phương hiện có 19 dự án điện gió với tổng công suất đặt 714MW, đã đưa vào vận hành thương mại 671,1MW; 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 127MW và 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5MW cũng đã đưa vào vận hành thương mại. Tổng công suất đã hoàn thành công tác xây lắp trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này là 1.008,5MW (chưa bao gồm khoảng 100MW hệ thống điện mặt trời mái nhà).

Nhiều dự án đã được đưa vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh để triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung thu hút các dự án đầu tư phát triển năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo.

Từ những tiềm năng và kết quả bước đầu, công nghiệp năng lượng được tỉnh xác định là lĩnh vực đột phá phát triển, hướng ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhiều dự án điện gió tại Quảng Trị đã đi vào hoạt động.
Nhiều dự án điện gió tại Quảng Trị đã đi vào hoạt động.

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị phấn đấu hoàn thành và phát điện thương mại khoảng 2.500 - 3.000MW giai đoạn đến năm 2025 và khoảng 9.500MW giai đoạn đến năm 2030 nhằm đạt được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII; phấn đấu đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung và cả nước.

Tại hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên (Nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) cho rằng, Quảng Trị là địa phương gặp nhiều điểm bất lợi về thiên tai. Hiện địa phương vẫn nằm trong nhóm tỉnh nghèo, quy mô nhỏ, cơ cấu kinh tế, lực lượng doanh nghiệp còn thấp...

Tuy nhiên, Quảng Trị có những lợi thế so với các địa phương khác. Cụ thể, Quảng Trị có nhiều điều kiện để phát triển điện gió ở vùng phía Tây, hiện nhiều doanh nghiệp đã vào đầu tư ở khu vực này. Đây là nguồn năng lượng khá dồi dào. Bên cạnh đó, Quảng Trị có nhiều nắng, là cơ sở để phát triển năng lượng điện mặt trời.

Theo TS Trần Đình Thiên, Quảng Trị cần thay đổi tư duy để phát triển, thay đổi cách nhìn dựa vào những lợi thế, cơ hội sẵn có. Địa phương cần tập trung mọi nguồn lực, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương để phát triển năng lượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.