Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp: Trở về làm khoa học cho quê hương

GD&TĐ - TS Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế - ĐH Quốc gia TPHCM vừa được tạp chí Asian Scientist vinh danh là một trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á năm 2019 do có những đóng góp nổi bật cho cộng đồng trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh.

TS Nguyễn Thị Hiệp trên tạp chí Asian Scientist. Ảnh chụp màn hình
TS Nguyễn Thị Hiệp trên tạp chí Asian Scientist. Ảnh chụp màn hình

Tiến sĩ 8X với 107 công trình khoa học

TS Nguyễn Thị Hiệp (sinh năm 1981) tốt nghiệp Cử nhân Hóa học tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM, nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ tại Trường ĐH Soonchunhyang (Hàn Quốc). Năm 2012, TS Hiệp từ chối mức lương 3.000 USD/tháng và điều kiện ăn ở, sinh hoạt tại Hàn Quốc để trở về nước làm giảng viên Bộ môn Kỹ thuật Y sinh, đặt những viên gạch đầu tiên cho phòng thí nghiệm y học tái tạo.

Cô chia sẻ: “Khi ở Hàn Quốc, tôi cũng có những công bố khoa học và từng đăng ký 4 bằng sáng chế nhưng phải ghi địa chỉ là Korea… Những nghiên cứu đó cuối cùng cũng thuộc về nước họ, nên tôi không thấy có động lực nghiên cứu và muốn trở về làm khoa học trên quê hương mình”.

GS.TS Võ Văn Tới - nguyên Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y sinh, cho biết: “Tôi nhận thấy ở Hiệp có tất cả đức tính đáng quý của một ‘người nhà quê’. Em cần cù, chịu khó, sống tình cảm, thật thà, ẩn sâu bên trong là ý chí độc lập, tính cách lạc quan và có nhiều ý tưởng vượt ngoài khung bình thường”.

TS Nguyễn Thị Hiệp làm nghiên cứu tại Khoa Kỹ thuật Y sinh.
 TS Nguyễn Thị Hiệp làm nghiên cứu tại Khoa Kỹ thuật Y sinh.

Có lẽ nhờ những đức tính ấy mà TS Hiệp đã vượt qua rất nhiều khó khăn khi mới về nước như bắt đầu phòng thí nghiệm với 3 không: Không tài trợ, không dự án, không máy móc để đạt được nhiều thành quả mang tầm châu lục trong sự nghiệp khoa học của mình.

Năm 2016, với đề tài nghiên cứu những phát hiện mới của loại vật liệu Titanium trong ngành nha khoa phục hồi, nữ tiến sĩ trẻ đã giành được Giải thưởng L’Oreal và được Hội đồng Giải thưởng Khoa học L’Oreal - UNESCO đánh giá có năng lực cao, khả năng nghiên cứu tốt, tâm huyết với khoa học và có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế vật liệu sinh học.

Năm 2017, cô xuất sắc đoạt giải Nhất Giải thưởng ASEAN - US về “Giải pháp giảm áp lực lên các thành phố đô thị hóa nhanh - mảng Sức khỏe cộng đồng”. Năm 2018, cô nhận được giải thưởng L’Oreal - UNESCO vì đã phát triển một loại gel nano thông minh có thể đẩy nhanh quá trình tái tạo mô. Công trình nghiên cứu này giúp cô đạt giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo TPHCM năm 2019.

Tính đến nay, TS Hiệp có tổng cộng 107 công trình khoa học, trong đó có 2 chương sách chuyên khảo, 50 bài báo khoa học trên các tạp chí thuộc ISI, 6 bài trên các tạp chí quốc tế khác, 10 bài trên các tạp chí trong nước, hơn 35 bài trong kỷ yếu hội nghị quốc tế và 4 sáng chế.

Mong muốn phát triển Khoa Kỹ thuật Y sinh

TS Nguyễn Thị Hiệp cho biết cô rất bất ngờ và vui mừng khi có tên trong danh sách 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á. Cô nói: “Từng làm công tác tư vấn tuyển sinh tôi nhận thấy hiện nay, đa số các bạn trẻ chỉ chú trọng chọn ngành nghề sao cho dễ tìm kiếm việc làm hay có thu nhập cao mà chưa chú trọng lĩnh vực khoa học công nghệ.

ĐH Quốc gia TPHCM có 4 nhà khoa học được vinh danh trên Asian Scientist. Năm 2019 là năm thứ 4 tạp chí này công bố danh sách các nhà khoa học hàng đầu châu lục có nhiều thành tựu nghiên cứu ở các lĩnh vực khác nhau. Tiêu chí vinh danh của Asian Scientist là các nhà khoa học xuất sắc được trao các giải thưởng về khoa học trong năm và có những đóng góp nổi bật cho cộng đồng. 
Trong bốn năm liên tiếp, ĐH Quốc gia TPHCM 
đều có nhà khoa học được vinh danh trên Asian Scientist: Năm 2016 là TS Trần Hà Liên Phương (Trường ĐH Quốc tế); năm 2017 là PGS.TS Lê Thị Kim Phụng (Trường ĐH Bách khoa); năm 2018 là GS.TS Phan Thanh Sơn Nam (Trường ĐH Bách khoa) và năm nay là TS Nguyễn Thị Hiệp.

Trong khi đó, khoa học công nghệ là sức mạnh quan trọng của mỗi quốc gia, mình phải tự nghiên cứu, khám phá và làm chủ nó mới phát triển được. Qua sự kiện này, tôi hy vọng mình có thể góp phần truyền thêm niềm tin, động lực cho các bạn trẻ làm nghiên cứu khoa học”.

Ngày 18/9, Bộ môn Kỹ thuật Y sinh mà TS Hiệp gắn bó từ ngày đầu về nước đã được trao quyết định nâng cấp thành Khoa Kỹ thuật Y sinh thuộc Trường ĐH Quốc tế. Với vai trò là Trưởng khoa, TS Nguyễn Thị Hiệp chia sẻ: “Khoa thành lập là kết quả, công sức của cả tập thể thầy trò Kỹ thuật Y sinh trong suốt 10 năm qua mà công lớn nhất là của GS.TS Võ Văn Tới.

Nhiệm vụ của tôi bây giờ là cố gắng hệ thống hóa, dữ liệu hóa những gì trước nay khoa đã đạt được dựa trên nền tảng vững chắc mà GS Tới đã xây dựng ở cả lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu”. Cô cho biết thêm: “Tầm nhìn của khoa là thúc đẩy nghiên cứu tích hợp, giáo dục, đi đầu trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật y sinh, song song với việc duy trì phương châm: Chất lượng cao, bền vững và hữu ích”.

Ngày 29/8, ngành Kỹ thuật Y sinh của khoa đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định của tổ chức ABET (Tổ chức Kiểm định các chương trình Đào tạo Kỹ thuật - Công nghệ Hoa Kỳ). TS Hiệp mong ước sẽ phát huy chất lượng giáo dục của khoa ngày một tốt hơn, hướng đến mục tiêu là đơn vị đầu tiên trong nước có thể trao cho sinh viên chứng nhận quốc tế, đồng thời trang bị cho sinh viên nền tảng kiến thức vững chắc để phát triển công việc sau này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.