Đúng theo tinh thần của Luật Giáo dục Đại học, các nhà trường hoàn toàn được quyền tự chủ trong việc xây dựng phương án tuyển sinh riêng.
Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 này, bước đầu ở với ĐHQG Hà Nội là việc chính thức công bố triển khai đổi mới tuyển sinh đại học chính quy theo phương thức đánh giá năng lực, thí điểm đối với các chương trình đào tạo: chất lượng cao, tài năng, tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế.
Còn Đại học Bách khoa Hà Nội, bước đi đầu tiên cho việc xây dựng phương án tuyển sinh riêng của trường này vào những năm sau là việc đưa ra quy định, những thí sinh dự thi vào trường này sẽ phải qua một kỳ sơ tuyển dựa trên tổng điểm trung bình của 3 môn thuộc khối thi.
Nhận định về việc này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, cho rằng: Bộ GD&ĐT rất hoan nghênh việc một số đại học đã bước đầu đưa ra những cách thức làm riêng trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 này.
Điều này cho thấy các trường rất ý thức trong việc tự chủ xây dựng phương án tuyển sinh riêng, Bộ GD&ĐT mong muốn sẽ có nhiều trường tiếp tục có những bước chuẩn bị cho lộ trình đổi mới, tự chủ tuyển sinh ngay từ năm 2014 này.
Đánh giá năng lực thí sinh
Theo PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, thực hiện chủ trương Đổi mới tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, ĐHQG Hà Nội sẽ triển khai Đổi mới tuyển sinh đại học chính quy năm 2014. Với Các chương trình đào tạo chuẩn sẽ xem xét, áp dụng từ khóa tuyển sinh năm 2015. Cụ thể như sau:
- Năm 2014, ĐHQG Hà Nội vẫn tổ chức thi 3 chung theo quy định của Bộ GD&ĐT. Thí sinh trúng tuyển sau khi đã nhập học vào các ngành đào tạo của ĐHQG Hà Nội sẽ được tham dự kỳ thi đánh giá năng lực chung để chọn vào học các chương trình đào tạo chất lượng cao, tài năng, tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế.
- Đối với chương trình đào tạo chất lượng cao, tài năng, tiên tiến: Thí sinh sẽ tham dự bài thi đánh giá năng lực chung và xét hồ sơ (kết quả học tập, rèn luyện bậc trung học phổ thông, kết quả kỳ thi tuyển sinh theo 3 chung của Bộ GD&ĐT).
- Đối với chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế: Thí sinh sẽ tham dự bài thi đánh giá năng lực chung, ngoại ngữ và xét hồ sơ (kết quả học tập, rèn luyện bậc trung học phổ thông, kết quả kỳ thi tuyển sinh theo 3 chung của Bộ GD&ĐT).
- Tùy thuộc vào điều kiện và yêu cầu của chương trình đào tạo, các đơn vị đào tạo có thể quy định thêm việc kiểm tra ngoại ngữ đối với thí sinh dự thi vào chương trình đào tạo chất lượng cao, tài năng, tiên tiến. Các đơn vị đào tạo báo cáo ĐHQG Hà Nội bằng văn bản trước ngày 15/3/2014 nếu có quy định thêm môn thi này.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cho biết, ĐHQG Hà Nội sẽ có văn bản chỉ đạo các nội dung cụ thể và hướng dẫn tổ chức tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực gửi các đơn vị trước 30/4/2014.
Sơ tuyển trước kỳ thi
Cùng với ĐHQG Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng có những động thái bước đầu chuẩn bị cho lộ trình đổi mới tuyển sinh sau này.
Trước mắt, mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 này, nhằm giảm tỉ lệ thí sinh ảo, giảm thí sinh dự thi vào trường và cũng là để thí sinh và gia đình đỡ tốn kém khi đăng ký dự thi khi khả năng thi đỗ thấp, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức đợt sơ tuyển trước kỳ thi đại học "3 chung", chỉ những thí sinh qua được vòng sơ tuyển này mới được tham dự kỳ thi vào trường.
Về việc này PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết: Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 nhà trường sẽ vẫn tổ chức theo phương án "3 chung". Chỉ có điểm mới so với các năm trước là có kỳ sơ tuyển trước kỳ thi nhằm giảm thí sinh "ảo".
PGS. TS Sơn đưa ra dẫn chứng, trong mùa tuyển sinh năm 2013, với chỉ tiêu vào trường là 5.600 chỉ tiêu cho hệ đại học nhưng Đại học Bách khoa Hà Nội có tới hơn 19.000 hồ sơ đăng ký dự thi, kết quả thi cho thấy nhiều em lực học như vậy khó có thể thi vào trường.
Chính vì thế, kỳ sơ tuyển này sẽ là "bộ lọc" ngăn những thí sinh có lực học trung bình, dự kiến sau sơ tuyển này sẽ có khoảng 12.000 được chấp nhận thi vào trường.
Phương thức sơ tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội được xây dựng như sau: Sẽ dựa trên tổng điểm trung bình của 3 môn thuộc khối thi ở 5 học kỳ THPT (6 học kỳ đối với thí sinh tốt nghiệp các năm trước), lấy từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu.
Theo đó, thí sinh sẽ được hướng dẫn đăng ký sơ tuyển trên trang web tuyển sinh của trường là: ts.hust.edu.vn. Mỗi thí sinh sẽ được tự động cấp mã số cá nhân trên để đăng nhập, kiểm tra các thông tin đăng ký dự thi.
Để tạo điều kiện cho các thí sinh ở các vùng sâu, vùng xa không có điều kiện truy cập mạng, trường sẽ có hướng dẫn để thí sinh có thể gửi đăng ký sơ tuyển qua đường bưu điện.
Thời gian sơ tuyển bắt đầu từ ngày 24/2 - 15/3/2014. Kết quả sơ tuyển sẽ được công bố trong ngày 17/3/2014, những thí sinh đạt vòng sơ tuyển sẽ làm hồ sơ dự thi đại học bình thường theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tuyển sinh, cách thức sơ tuyển của Đại học Bách khoa Hà Nội như vậy là khá đơn giản, tạo điều kiện cho thí sinh các vùng miền cùng tham gia. Thí sinh có thể vừa tự khai qua website và đường bưu điện.
Tuy nhiên, thí sinh tham dự sơ tuyển cũng cần đặc biệt lưu ý tuyệt đối tránh nhầm lẫn, khai man trong những thông tin sơ tuyển đó, phải khai đúng với kết quả điểm của mình. Nếu sau này, thí sinh đã trúng tuyển vào trường nếu kiểm tra phát hiện thí sinh nào khai man, kết quả tuyển sinh sẽ không được chấp nhận.
Đến thời điểm này mới chỉ có Đại học Bách khoa Hà Nội chính thức đưa ra những cách thức bước đầu cho việc tuyển sinh vào trường mình. Nhìn vào những nội dung đổi mới tuyển sinh của 2 trường này đều cho thấy, trên tinh thần tự chủ, cách thức các trường đã xây dựng cũng không ngoài mục đích hướng đến chất lượng và giảm thiểu những phức tạp trong tuyển sinh.