Theo quy định, với tổng số nhóm, lớp nêu trên cần phải có 3.384 giáo viên mầm non, tuy nhiên trên thực tế chỉ có 2.389 giáo viên. Với quy mô trẻ ở mỗi nhóm, lớp và nhu cầu 2 giáo viên/nhóm, lớp, hiện tại các trường mầm non vẫn còn thiếu 935 giáo viên.
Mặc dù có nhiều đợt tuyển nhưng các huyện của Tiền Giang vẫn không tuyển được giáo viên mầm non. Tỉnh hiện còn 10 trường khó khăn chưa tuyển được giáo viên nhiều năm nay. Huyện Gò Công Đông chỉ có 50% trẻ mầm non được học bán trú, còn lại phụ huynh phải đưa rước trẻ 4 lần/ ngày.
Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có 266 giáo viên mầm non nghỉ việc, bỏ việc. Nhiều trường chỉ có 1 hiệu trưởng làm công tác quản lý. Có trường phó hiệu trưởng phải trực tiếp đứng lớp. Thậm chí, khi có 1 giáo viên nghỉ thai sản, ban giám hiệu phải xuống lớp làm thay giáo viên…
Theo Sở GD&ĐT Tiền Giang, tình trạng thiếu giáo viên chưa được khắc phục, tạo áp lực lớn cho đội ngũ trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ. Giáo viên làm việc ngoài giờ kéo dài nhưng không được trả chế độ thừa giờ. Thu nhập của giáo viên mầm non thấp, thời gian làm việc ở trường quá dài, áp lực công việc lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống. Vì vậy, học sinh khi tốt nghiệp THPT ít chọn dự thi vào ngành Sư phạm mầm non; không ít giáo viên mầm non bỏ nghề sau vài năm.
Mỗi năm, có khoảng 200 sinh viên Trường ĐH Tiền Giang ra trường nhưng địa phương vẫn không có nguồn tuyển dụng. Một số sinh viên tốt nghiệp đến các địa phương khác có chế độ thu hút, ưu đãi tốt hơn như TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu để dạy… Ngoài ra, các khu công nghiệp trên địa bàn tuyển dụng công nhân rất nhiều, lương bình quân cho công nhân từ 6 - 8 triệu/tháng nên không ít sinh viên sư phạm bỏ nghề sang làm công nhân.