Dự án được triển khai giai đoạn I (từ 1/4/2019 đến 30/11/2019) với ngân sách 2,241 tỷ đồng tại huyện Cái Bè với 5 trường Mầm non và 6 trường Tiểu học tham gia.
Dự án đã thực hiện tập huấn cho 384 giáo viên về phương pháp hỗ trợ trẻ em Mầm non, Tiểu học làm quen và tăng cường kỹ năng đọc, viết và toán. Tổ chức 240 tiết sinh hoạt chuyên môn và có hơn 22.000 tiết học được áp dụng phương pháp hỗ trợ trẻ mầm non, tiểu học.
Thành lập 36 câu lạc bộ cha mẹ hỗ trợ trẻ làm quen với kỹ năng đọc viết và toán, vệ sinh cá nhân tại nhà với 950 phụ huynh tham gia. Hơn 330 buổi sinh hoạt câu lạc bộ đã được thực hiện. Có 6 thư viện ngoài trời được làm mới với 7.642 cuốn sách truyện được cấp và 1 nhà vệ sinh tại trường được xây mới.
Tại hội thảo, đại diện Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế mong muốn lãnh đạo Sở GD&ĐT và các trường tham gia Dự án cùng nhau nỗ lực cố gắng để tạo cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn có môi trường học tập tốt, an toàn, lành mạnh, có kỹ năng tốt để bước vào cuộc sống.
Giai đoạn II (từ 1/2020 - 9/2022), dự án tiếp tục thực hiện tại 11 trường huyện Cái Bè. Kinh phí dự án trên 2,9 tỉ đồng, với mục tiêu: Nâng cao sự sẵn sàng đi học và kỹ năng đọc viết cho trẻ thiệt thòi từ 3 - 11 tuổi.
Với chiến lược thay đổi nhà trường: Giáo viên thay đổi, giờ học thay đổi, học sinh thay đổi và trường học thay đổi, mục tiêu của dự án chính là hợp tác, hỗ trợ để các nhà trường, Phòng, Sở GD&ĐT thực hiện tốt các kế hoạch - nhiệm vụ năm học và Chương trình GDPT 2018.
Tổ chức Cứu trợ Trẻ em bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1990 với dự án dinh dưỡng tại tỉnh Thanh Hóa. Kể từ đó, đã mở rộng các chương trình, gồm sáu lĩnh vực chính: Giáo dục, sức khỏe và dinh dưỡng, bảo vệ trẻ em, quản trị quyền trẻ em, giảm nghèo cho trẻ em, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó khẩn cấp…
Cùng với Tiền Giang, Dự án còn thực hiện tại 5 tỉnh, thành phố trong cả nước (Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ) trong 2 năm từ tháng 4/2019 đến tháng 9/2020.