Tiêm vắc-xin AstraZeneca: Hiệu quả nhất khi nào?

GD&TĐ - Ba tháng là thời gian đủ để cơ thể “làm quen” với vắc-xin phòng Covid-19 AstraZeneca trước khi nhận liều mới. Khi khoảng cách giữa 2 liều là 12 tuần, hiệu quả vắc-xin là 81%.

TPHCM triển khai bao phủ vắc-xin cho người dân. Ảnh: HCDC.
TPHCM triển khai bao phủ vắc-xin cho người dân. Ảnh: HCDC.

Trường hợp đặc biệt

Ngày 12/9, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh có công văn gửi Bộ Y tế đề nghị xem xét và có ý kiến cho phép rút ngắn khoảng cách tiêm 2 mũi vắc-xin AstraZeneca từ 8 - 12 tuần xuống tối thiểu 6 tuần. Qua đó, nhằm đẩy nhanh tiến độ bao phủ mũi 2 trên địa bàn thành phố.

Tại Công văn số 255 ngày 22/7, Sở Y tế Hà Nội lưu ý: Đối với vắc-xin AstraZeneca, bảo đảm khoảng cách ít nhất 8 tuần giữa 2 mũi. Trong một số trường hợp đặc biệt cần hoàn thành đủ 2 mũi sớm, có thể thực hiện tiêm mũi 2 sau ít nhất 4 tuần.

Tại Việt Nam, đối với những nhóm nguy cơ, vùng dịch, trong một số trường hợp đặc biệt cần hoàn thành mũi 2 sớm, một số địa phương đã thực hiện tiêm vắc-xin mũi 2 vắc-xin AstraZeneca với khoảng cách ít nhất là 4 tuần.

Trước đó, Bộ Y tế cho biết, khoảng cách lý tưởng giữa 2 mũi tiêm của các loại vắc-xin là khác nhau.

Cụ thể, với vắc-xin AstraZeneca, mũi 1 cách mũi 2 tối ưu từ 8 - 12 tuần. Với vắc-xin Sputnik V, mũi 1 cách mũi 2 là 3 tuần. Trong khi đó, vắc-xin Pfizer có mũi 1 cách mũi 2 là 3 tuần. Vắc-xin Sinopharm, mũi 1 cách mũi 2 từ 3 - 4 tuần. Vắc-xin Moderna, 2 mũi cách nhau 28 ngày.

Trước đó, ngày 8/9, Hội đồng tư vấn chuyên môn về sử dụng vắc-xin của Bộ Y tế khuyến cáo, trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vắc-xin Covid-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2, có thể sử dụng vắc-xin khác để tiêm mũi 2.

Theo đó, nếu tiêm mũi 1 vắc-xin do AstraZeneca sản xuất, có thể tiêm mũi 2 bằng vắc-xin do Pfizer hoặc Moderna sản xuất. Nếu tiêm mũi 1 vắc-xin do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc-xin do Pfizer sản xuất và ngược lại.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) - cho biết, có nhiều mục tiêu khi phủ vắc-xin cho cộng đồng.

Trong đó, bao gồm mục tiêu làm sao để nhiều người tiêm 1 mũi nhất; Làm sao để người xung trận chiến đấu tiêm đủ 2 mũi sớm nhất; Làm sao để người dễ mắc bệnh và khi bệnh sẽ nặng tiêm được mũi 1 và 2 sớm nhất.

Theo chuyên gia này, vắc-xin phòng Covid-19 có nhiều nguồn cũng như nhiều loại. Do đó, người dân nên tiêm vắc-xin ngay khi có cơ hội. Trong khi đó, bác sĩ Khanh cảnh báo, trong thời gian chờ hoặc “kén” vắc-xin có thể nhiễm bệnh và lây cho người nguy cơ cao trong nhà.

Khoảng thời gian “vàng”

Dựa trên kết quả từ 17.177 người tham gia các thử nghiệm pha III ở Anh, Brazil và Nam Phi do Đại học Oxford và                   AstraZeneca triển khai, ông Mene Pangalos - Phó Chủ tịch điều hành Nghiên cứu và Phát triển Dược phẩm Sinh học tại AstraZeneca - cho biết: “Phân tích chính này tái khẳng định, vắc-xin của chúng tôi giúp ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng và bệnh nhân không phải nhập viện. Ngoài ra, kéo dài khoảng thời gian giữa hai liều không chỉ làm tăng hiệu lực của vắc-xin, mà còn cho phép nhiều người được tiêm phòng sớm hơn”.
Trong khi đó, Giáo sư Andrew Pollard - quản lý nghiên cứu của thử nghiệm vắc-xin Oxford nhận định, dữ liệu này hỗ trợ Ủy ban Liên hợp về Tiêm chủng ra chính sách khuyến cáo về thời gian giữa hai liều là 12 tuần.

Giáo sư Y khoa Nguyễn Văn Tuấn - Trường Đại học New South Wales (Australia) cho biết, nhiều trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 vẫn nhiễm bệnh. Một trong những nguyên nhân chính là khoảng thời gian tiêm giữa 2 mũi vắc-xin. Ông dẫn chứng, theo kết quả nghiên cứu vắc-xin AstraZeneca báo cáo trên Lancet, khoảng cách thời gian vắc-xin có hiệu quả cao nhất là 3 tháng.

“Các chuyên gia lý giải rằng, 3 tháng là thời gian đủ để cơ thể chúng ta “làm quen” với vắc-xin trước khi nhận liều mới. Khi khoảng cách giữa 2 liều là 12 tuần, hiệu quả vắc-xin lên đến 81%, nhưng khi khoảng cách 6 tuần, hiệu quả chỉ 55%”, chuyên gia cho biết.

Theo Giáo sư Tuấn, đây là lí do Australia chọn khoảng cách 3 tháng để đạt hiệu quả cao nhất.

“Nhưng ở những nơi hiếm vắc-xin (như Việt Nam), nhà chức trách có xu hướng rút ngắn thời gian tiêm chủng giữa 2 liều”, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nhận định.

TPHCM hiện tăng cường tổ chức chủng ngừa Covid-19 cho các trường hợp chưa tiêm mũi 1 trong ngày 15/9. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), ngày 14/9, thành phố đã tiêm thêm 159.990 người. Tính đến ngày 14/9, thành phố đã tiêm được 8.316.763 mũi tiêm. Trong đó, có 6.624.241 mũi 1 và 1.692.522 mũi 2.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.