Tiêm thuốc độc là hình thức tử hình duy nhất

Tiêm thuốc độc là hình thức tử hình duy nhất
Tiêm thuốc độc là hình thức tử hình duy nhất ảnh 1
Ngày 17/6, Quốc hội đã thông qua 8 luật.

Với 86,61% số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Thi hành án hình sự. Luật Thi hành án hình sự quy định nguyên tắc, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, biện pháp tư pháp; quyền, nghĩa vụ của người chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp.

Tuy vẫn có đại biểu Quốc hội đề nghị giữ quy định hình thức tử hình bằng xử bắn như hiện hành, hoặc chọn giữa xử bắn và tiêm thuốc độc, việc tử hình theo hình thức duy nhất là tiêm thuốc độc đã chính thức được lựa chọn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba giải thích: Tiêm thuốc độc có nhiều ưu điểm hơn, lại hoàn toàn khả thi vì việc nghiên cứu để thay thế hình thức thi hành án tử hình đã được đặt ra từ nhiều năm nay.

Nếu thực hiện theo cả hai hình thức tiêm thuốc độc và xử bắn sẽ phải có cơ chế giải quyết để người phải chấp hành án lựa chọn, hoặc do cơ quan có thẩm quyền lựa chọn, và vẫn phải duy trì cách thức tổ chức cùng các điều kiện thi hành án bằng xử bắn, khiến thực hiện không thống nhất và tốn kém không cần thiết.

Đa số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị quy định cho phép thân nhân của tử tù được nhận tử thi về an táng. Do đó, Luật đã được chỉnh theo hướng: trước khi tiêm thuốc, thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của tử tù được gửi đơn đến chánh án tòa án đã xét sơ thẩm đề nghị giải quyết cho nhận tử thi về an táng, cam kết bảo đảm yêu cầu về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và tự túc chi phí.

Tuy nhiên, chánh án tòa có quyền không cho nhận tử thi khi có căn cứ là việc này ảnh hưởng đến an ninh trật tự và vệ sinh môi trường.

Luật cũng có nhiều thay đổi theo ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội. Chẳng hạn, người chấp hành án cải tạo không giam giữ, người được hưởng án treo nếu được tiếp tục làm việc tại cơ quan, tổ chức thì sẽ được hưởng tiền lương, chế độ phù hợp, được tính vào thời gian công tác.

Ngoài ra, theo luật mới, ngoài thân nhân, phạm nhân có thể được gặp đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân. Việc giải quyết cho thăm gặp do giám thị trại giam, giám thị trại tạm giam, thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện quyết định.

Điều khoản "phạm nhân nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi sẽ được bố trí thời gian phù hợp để chăm sóc, nuôi dưỡng con" cũng được bổ sung.

Riêng ý kiến đề nghị cân nhắc quy định việc cho phạm nhân gặp vợ, chồng không quá 24 giờ để tránh trường hợp phạm nhân nữ có thai, UBTVQH cho rằng quy định "phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế trại giam hoặc lập công thì được gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ" có tác dụng giáo dục, động viên phạm nhân chấp hành án, nên đề nghị  vẫn giữ nguyên.

Luật Thi hành án hình sự có hiệu lực thi hành từ 1/7/2011.

Dự án Luật Trọng tài thương mại được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 85,8% số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2011. Luật Trọng tài thương mại quy định về thẩm quyền của trọng tài thương mại, các hình thức trọng tài, tổ chức trọng tài, trọng tài viên; trình tự, thủ tục trọng tài; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong tố tụng trọng tài; thẩm quyền của tòa án đối với hoạt động trọng tài, tổ chức và hoạt động của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, thi hành phán quyết trọng tài. Việc cấp giấy phép thành lập tổ chức trọng tài thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp. Trên cơ sở giấy phép cho thành lập tổ chức trọng tài, Sở Tư pháp có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động cho các tổ chức trọng tài.

Có 87,22% số đại biểu Quốc hội tán thành thông qua dự án Luật An toàn thực phẩm. Với 11 Chương, 72 Điều, Luật An toàn thực phẩm quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; các Bộ quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm theo lĩnh vực được phân công. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2011.

Quang Anh 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ