Mới đây, TP.Hà Nội đã phê duyệt bổ sung vào giai đoạn 2 của Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên nằm trên địa bàn 2 quận Ba Đình và Tây Hồ. Mục tiêu của dự án sẽ giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại khu vực này, thực hiện được việc gia cố vững chắc đê điều đảm bảo an toàn phòng, chống lũ và tạo được cảnh quan đô thị.
Theo ghi nhận của PV, công trình mở rộng đường Âu Cơ đã chính thức khởi công. Nhằm phục vụ dự án, con đường gốm sứ sẽ bị phá hơn 600m.
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy – Giám đốc Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội - người trực tiếp tham gia thiết kế con đường gốm sứ từ năm 2007 đến nay - cho biết, để cải tạo dự án, đã có khoảng 600m tranh gốm bị phá đi, trong đó có những đoạn tranh gốm có ý nghĩa như phố cổ Bùi Xuân Phái, đoạn tranh Tổ chức Lao động Thế giới ILO của Tập đoàn CIO,…
Theo họa sĩ Thủy, việc phải tháo dỡ một đoạn đường gốm khiến mọi người rất tiếc nuối. Cả tập thể đã phải thức đêm, thậm chí không kể nắng gắt hay mưa rào, không quản khó khăn để dành hết tâm sức cho tác phẩm nghệ thuật để kịp ngày Thủ đô kỉ niệm cũng là ngày tổ chức kỉ lục GUINESS ghi nhận con đường gốm dài nhất Thế giới.
Mong muốn của bà Thủy cũng như nhiều người khác là sau khi mở rộng đường hoàn thiện, Hà Nội có thể cấp kinh phí xây dựng lại đoạn tranh gốm đã bị phá. Với mọi người, đoạn tranh là tất cả tình yêu của các tổ chức thế giới dành cho Hà Nội kể cả công sức của các nghệ sĩ đã đóng góp cho đoạn tranh gốm sứ này.
“Việc phá dỡ đoạn tranh gần 600m đang ảnh hưởng đến kỉ lục. Tôi sẽ phải báo cáo con số này đến kỉ lục với lời hứa là sẽ xin làm đền bù lại, thậm chí chúng tôi sẽ tạo nên kỉ lục mới với 1000m, chắc chắn Hà Nội sẽ phá vỡ kỉ lục cũ” - họa sĩ Thủy nói.
Bà Lê Thị Thìn (người dân trú tại Nghi Tàm, Tây Hồ) cho biết, đoạn đường gốm sứ qua Nghi Tàm – Âu Cơ được hoàn thành trước ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đã trở thành biểu tượng mang nhiều ý nghĩa đối với người dân trong khu vực.
"Nhiều công nhân ở đây cho biết, dù đã khởi công nhưng ngày 15.6 tới sẽ ngừng lại để đảm bảo an toàn cho đê trong mùa mưa lũ. Dự kiến công trình giao thông này sẽ được thực hiện tiếp trong tháng 10" - bà Thìn cho hay.
Cũng theo bà Thìn, con đường gốm sứ có ý nghĩa với người dân, nó lưu lại lịch sử của đất nước, những ngành nghề được truyền tải trên con đường này, việc lưu giữ để lại cho con cháu muôn đời sau biết về cội nguồn dân tộc.
Ông Nguyễn Văn Hồng (phường Quảng An, quận Tây Hồ) chia sẻ, trước đây đường đê Âu Cơ - Nghi Tàm chỉ là đê chắn nước sông Hồng. Qua quá trình mở rộng, nhà nước đã cải tạo, mở rộng làm đường song song với việc xây dựng đường gốm rất đẹp và văn minh.
“Nhà nước có chủ trương mở rộng đường chúng tôi rất mừng, tuy nhiên con đường gốm sứ bị bỏ đi rất tiếc. Hy vọng làm đường xong, các bức tranh gốm sứ sẽ được khôi phục” - ông Hồng kể lại kỉ niệm.