Tiếc cho 'Hồng Hà nữ sĩ'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cùng với 'Đào, phở và piano', 'Hồng Hà nữ sĩ' là phim Nhà nước đặt hàng Hãng phim truyện 1 và Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất.

Diễn viên Anh Đào hóa thân thành Đoàn Thị Điểm trong phim 'Hồng Hà nữ sĩ'. Ảnh: Bình Thanh
Diễn viên Anh Đào hóa thân thành Đoàn Thị Điểm trong phim 'Hồng Hà nữ sĩ'. Ảnh: Bình Thanh

Khi lấy được Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Kiều mừng rỡ có thơ rằng: “Nhân duyên gặp gỡ nhất trần gian/Cả cuộc đời ta được phúc ban/Ai bảo khát khao tiên nữ nữa/Nàng tiên đã xuống cõi nhân hoàn”…

Những câu thơ ấy thêm một lần vang lên trong “Hồng Hà nữ sĩ” – phim điện ảnh đầu tiên khắc họa chân dung Đoàn Thị Điểm được công chiếu đến khán giả Thủ đô hơn tháng qua.

Giai nhân đảm đang

“Hồng Hà nữ sĩ” được mở ra bằng những tiếng đàn, tiếng phách cùng câu hát ca trù dùng lời thơ của người con gái được Thượng thư Lê Anh Tuấn nhận nuôi lúc 16 tuổi, có tên là Đoàn Thị Điểm.

Từ buổi xướng họa thi ca giữa kinh thành Thăng Long cách đây hơn 300 năm, Đoàn Thị Điểm gặp gỡ Đặng Trần Côn và Nguyễn Kiều để rồi tùy duyên mà gắn bó.

Từ đây, khán giả được gặp một nữ sĩ tài danh không phải chỉ an phận trong xướng họa thi ca, mà còn là một điển hình cho phụ nữ Việt Nam đảm đang, giàu đức hy sinh mà cũng luôn bản lĩnh, trách nhiệm không chỉ với gia đình mà với cả non sông.

Trước tiên, qua góc nhìn của ê-kíp sáng tạo, bộ phim tái hiện mối duyên văn chương, thơ phú của Đoàn Thị Điểm với Đặng Trần Côn để lý giải vì sao họ có thể “tâm đầu ý hợp” người viết - người dịch tác phẩm để đời - “Chinh phụ ngâm”. Đó là một Đoàn Thị Điểm dẫu phận nữ nhi mà chẳng thường tình.

Ngay từ giây phút gặp gỡ đầu tiên, nàng đã cất tiếng oanh vàng đọc thơ Đặng Trần Côn: “Tiếng gà eo óc đêm thanh/ Bóng hòe thôi đã lặng thinh qua thềm…” rồi có những đối đáp thông minh khó ai bì.

Cứ thế, trai – gái tuổi cập kê xướng ngâm thi phú, dành lời tán dương về tài thơ của nhau. Len vào đó là những rung cảm đầu đời, có thể với Đoàn Thị Điểm chưa gọi thành tên nhưng với Đặng Trần Côn đã là biết bao si mê, khát khao được chinh phục người đẹp.

Và, theo cách lý giải của “Hồng Hà nữ sĩ”, tình đơn phương với nữ sĩ chính là nguồn thúc đẩy Đặng Trần Côn dám dấn thân vào chốn quan trường để trực tiếp chứng kiến nỗi thống khổ của dân trong chiến tranh loạn lạc. Từ những đồng cảm đó, chàng viết nên “Chinh phụ ngâm” bằng chữ Hán để nàng dịch sang chữ Nôm và trở thành kiệt tác văn học Việt Nam.

Có thể thấy, trong chính sử chỉ ghi Đoàn Thị Điểm hơn tuổi Đặng Trần Côn và là người dịch “Chinh phụ ngâm” còn chuyện họ gặp gỡ ra sao, vì sao nữ sĩ dịch tác phẩm đó và trong khoảng thời nào thì không nói tới. Trong dân gian cũng chỉ tương truyền chuyện Đặng Trần Côn mới làm thơ thì đem đến cho Đoàn Thị Điểm xem và nữ sĩ cười rằng: “Nên học thêm sẽ làm thơ”…

Đó cũng là khoảng trống đem lại không ít tò mò, nghi hoặc để người đời nay có thể lấp đầy bằng góc nhìn sao cho logic, hợp lý, hợp tình. Biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát và đạo diễn, NSƯT Nguyễn Đức Việt đưa ra giải mã của riêng mình trong “Hồng Hà nữ sĩ” khi đẩy mối tâm giao thơ phú ấy thành mạch chảy xuyên suốt phim một cách chi tiết, kể cả thời điểm nữ sĩ thực hiện công việc dịch thơ.

Phải chăng, đây là sự lựa chọn khôn khéo khi mạch này vừa có thể đánh vào trí tò mò, tâm lý thích ngôn tình của không ít khán giả trẻ vừa tôn vinh tài thơ phú và sự tinh tế, đồng cảm trước những cảnh trái ngang trong chiến tranh ly loạn của Đoàn Thị Điểm?

Cũng dễ dàng bắt gặp trong phim có những cảnh hai người mặt giáp mặt trong e ấp, ngập ngừng; lúc lại là gặp gỡ trong tâm tưởng để rồi cùng trải tiếng lòng qua thi ca, có khi về thế sự cũng có khi là những cảm xúc riêng tư. Những cảnh này mang vẻ đẹp khá lãng mạn, thơ mộng và lý tưởng.

Nhưng “Hồng Hà nữ sĩ” không chỉ dừng ở việc cắt nghĩa về cuộc hội ngộ giữa những tài thơ chốn kinh thành Thăng Long có cùng nhịp giao cảm, mà còn khắc họa một Đoàn Thị Điểm đảm đang gánh vác việc nhà và luôn mang tấc lòng khôn nguôi đau đáu về thời cuộc.

Bởi bao biến cố trong gia đình: Cha và anh mất sớm, nàng liền từ kinh thành trở về săn sóc mẹ già cùng các cháu thơ dại. Đóa hoa đài các sống trong dinh quan Thượng thư, xúng xính xiêm y là lượt, nức tiếng gần xa với thơ phú bấy lâu nay chẳng ngại ngần khoác áo thôn nữ bước vào bươn chải với cuộc đời.

Việc gì cũng đến tay Điểm và đều đơm hoa, kết quả trong khi nàng chẳng màng đến hạnh phúc riêng tư, mặc tuổi xuân trôi đi. Những cảnh Điểm tần tảo sớm hôm lo toan, vun vén chăm chị dâu và cháu… thật duyên dáng, đáng yêu. Và càng đáng nể hơn dù nhọc nhằn, bận rộn đến mấy nữ sĩ ấy quyết không từ bỏ văn chương, thơ phú.

Đêm đêm, nàng vẫn gửi lòng mình vào những vần thơ, trang văn mà viết nên “Truyền kỳ tân phả” - tác phẩm văn xuôi chữ Hán có xen thơ, hành, văn tế và kể về những nhân vật có thật trong lịch sử hoặc theo truyền thuyết dân gian, đều có ý thức đề cao người phụ nữ.

Trong đó, truyện “Hải khẩu linh từ” (Đền thiêng cửa bể) được đặc biệt nhắc tới khi người cháu đọc 10 điều xây dựng đất nước của cung phi Bích Châu dâng lên vua Trần Duệ Tông.

Nghe lại những điều như: Muốn bền gốc nước phải trừ kẻ bạo tàn; giữ nếp xưa, mọi phiền nhiễu nên bỏ; ngăn kẻ lạm quyền để trừ mọt nước; loại bọn quan tham vơ vét của dân; nghe lời trực gián để được khai minh… thật thấm thía, không chỉ với người thời bấy giờ mà với cả người hôm nay, hôm sau…

Đó cũng chính là tấc lòng đau đáu của nữ sĩ trước trách nhiệm cùng góp sức gìn giữ, dựng xây vận mệnh bền lâu, thịnh vượng cho đất nước: “Điểm tôi phận nữ nhi nhưng cũng muốn nước được trị, dân được yên, mong bề trên xét”.

Khi bén duyên với Tiến sĩ Nguyễn Kiều, nàng lại tảo tần chăm sóc, dạy dỗ con riêng của chồng nên người cũng như thủy chung gói ghém niềm thương, nỗi nhớ những tháng năm chồng lo việc nước (đi sứ 3 năm) vào truyện thơ “Chinh phụ ngâm” viết bằng chữ Nôm: “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi/Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên/Xanh kia thăm thẳm tầng trên/Vì ai gây dựng cho nên nỗi này…”.

Nỗi lòng của người chinh phụ phải chăng cũng chính là nỗi lòng của nàng – người vợ trẻ chưa kịp bén hơi chồng đã phải tựa cửa trông chờ ngày đoàn viên, nén tình riêng mà nghĩ đến thời cuộc chung.

Phân cảnh quan thu thuế trong phim 'Hồng Hà nữ sĩ'. Ảnh: Bình Thanh.

Phân cảnh quan thu thuế trong phim 'Hồng Hà nữ sĩ'. Ảnh: Bình Thanh.

Nhưng vắng khán giả

Cùng với “Đào, phở và piano”, “Hồng Hà nữ sĩ” là phim Nhà nước đặt hàng Hãng phim truyện 1 và Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất với số tiền đầu tư lần lượt: 11 tỷ đồng và 9,7 tỷ đồng (Theo dự toán chi ngân sách Nhà nước đặt hàng sản xuất phim và tài trợ phổ biến phim năm 2022, ban hành kèm theo Quyết định số 1230/QĐ-BVHTTDL).

Sau khi tham dự Liên hoan phim toàn quốc 2023, hai phim này cùng với chùm 6 phim hoạt hình được triển khai phát hành và phổ biến trong dịp Tết Giáp Thìn (theo Quyết định số 316/QĐ-BVHTTDL ngày 6/2/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Kế hoạch phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia và một số đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình trên toàn quốc).

Hơn tháng qua, mỗi ngày phim “Hồng Hà nữ sĩ” được duy trì 3 suất chiếu, thường vào các khung giờ: 10 giờ 10 phút, 14 giờ 20 phút, 18 giờ 30 phút và không giới hạn độ tuổi.

Nếu “Đào, phở và piano” tạo ra cơn sốt phòng vé không chỉ tại điểm chiếu của quốc doanh, mà còn mở rộng ra nhiều cụm rạp tư nhân như Beta Cinema, Cinestar, Venus Cinema… thì “Hồng Hà nữ sĩ” khá lặng lẽ.

Gần như các suất chiếu đều vắng khi chỉ có khoảng mươi khán giả tới xem, khiến phòng chiếu gần 100 chỗ trở nên trống vắng. Cũng bởi thế mà đến thời điểm này, tổng doanh thu của phim chỉ đạt khoảng gần 150 triệu đồng (theo Box Office Viet Nam).

Sở dĩ có thực tế đó, về mặt khách quan, có lẽ vì “Hồng Hà nữ sĩ” là phim chân dung về nhân vật lịch sử, dòng phim kén khán giả. Cùng với đó, là phim Nhà nước đặt hàng nên công tác quảng cáo, truyền thông cũng bị hạn chế. Nhưng, nếu thế thì phim “Đào, phở và piano” sao lại hút khách khi cũng khai thác đề tài chiến tranh theo thể loại sử thi lãng mạn và là phim Nhà nước đặt hàng?

Có lẽ, nguyên nhân cốt yếu là do cách kể chuyện của “Hồng Hà nữ sĩ” chưa thực sự cuốn hút, nếu không nói là còn khá nhạt, cũ kỹ, thiên nhiều về minh họa, khiên cưỡng.

Điển hình là mối tâm giao thi ca giữa Đoàn Thị Điểm và Đặng Trần Côn, từ giây phút gặp gỡ ban đầu dường như các nhân vật bị cố tình đặt vào “sự đã rồi” để dẫn dắt đến mối tương tư đơn phương của chàng họ Đặng.

Cùng với đó, việc quá ôm đồm chi tiết, sự việc, song thể hiện không tới, dường như chỉ cố gắng đặt vào để gắn thông điệp theo kiểu mượn xưa nói nay về trách nhiệm của người làm quan, của trí thức trước thời ly loạn, sự bất lực của trung thần, việc gìn giữ chữ viết, lề lối… nên tạo cảm giác như đang diễn kịch, hô khẩu hiệu.

Đoàn Thị Điểm vào phủ chúa dạy cung nữ. Ảnh: Bình Thanh.

Đoàn Thị Điểm vào phủ chúa dạy cung nữ. Ảnh: Bình Thanh.

Có thể kể đến một số phân cảnh như: Quan thu thuế đi bắt những người buôn bán ở Thăng Long (ông già bán vải) hay việc tên hàng thịt không biết chữ mà vẫn có thể mua chức quan rồi giây phút Đặng Trần Côn trao Đoàn Thị Điểm “Chinh phụ ngâm” cũng như mỗi lần đọc và khen thơ của nữ sĩ hoặc phút giây Đoàn Thị Điểm gặp cha nuôi lần cuối…

Nhất là, phim khép lại với hình ảnh Đặng Trần Côn kính cẩn đặt tập sách lên mộ Đoàn Thị Điểm trong vườn đào và tiếp tục ngợi ca về công sức của bà với “Chinh phụ ngâm” vừa có phần dư thừa vừa không khỏi mang đến thắc mắc: Theo các nhà nghiên cứu, ông mất khoảng 1745 còn Đoàn Thị Điểm mất năm 1749. Vậy, liệu hư cấu này có thực sự thuyết phục hay chưa?

Một điểm trừ nữa của “Hồng Hà nữ sĩ” là diễn xuất. Anh Đào hóa thân vào vai Đoàn Thị Điểm khá ăn nhập về ngoại hình xinh đẹp và phần nào thể hiện được khí chất của nữ sĩ thông minh, tài hoa và bản lĩnh.

Tuy nhiên, nữ diễn viên này chưa thật tròn vai vì chưa thể chuyển tải được chiều sâu diễn biến nội tâm trong cuộc đời đầy biến động của Đoàn Thị Điểm. Nhất là diễn viên Quốc Toàn đem đến cho khán giả cảm giác anh phải gồng mình cho nhân vật Đặng Trần Côn cùng lời thoại thiếu cảm xúc. Cách hóa trang của nhân vật này có phần lai căng, thiếu đi nét riêng.

“Mất thời gian xếp hàng mà chưa mua được vé xem “Đào, phở và piano”, tôi chuyển sang “Hồng Hà nữ sĩ”. Trước đó, đọc tin bộ phim này đã được chiếu chiêu đãi và phải mở đến 2 phòng, làm tôi có phần quan tâm.

Nhưng thật tiếc vì bộ phim này vẫn giữ lối kể chuyện cũ, thiếu sáng tạo trong khi bà Đoàn Thị Điểm là một nhân vật có nhiều câu chuyện hay để khai thác”, bạn Hồng Minh (Thái Hà) chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.