Tích trữ lương thực, trồng thêm rau xanh để sẵn sàng... kéo học sinh tới lớp

GD&TĐ - Với các trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), bảo đảm lương thực, thực phẩm, chăm chút từng bữa ăn cho học sinh không chỉ là nhiệm vụ mà còn được xem như giải pháp khuyến khích học trò trở lại học tập...

Giáo viên và phụ huynh Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố (Bắc Hà – Lào Cai) làm cỏ, gieo trồng rau xanh đón học sinh trở lại trường. Ảnh: NTCC
Giáo viên và phụ huynh Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố (Bắc Hà – Lào Cai) làm cỏ, gieo trồng rau xanh đón học sinh trở lại trường. Ảnh: NTCC

Không để trò đứt bữa

Với tâm thế chủ động đón năm học mới, thầy Nguyễn Tiến Công – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố (Bắc Hà – Lào Cai) chia sẻ: Trường đã sẵn sàng đón 240 học sinh trở lại lớp học. Nguồn thực phẩm phục vụ các suất ăn bán trú mỗi ngày đã trong kế hoạch, phương án chuẩn bị kĩ lưỡng.

Theo thầy Công, kết thúc năm học 2020 - 2021, trường họp phụ huynh và thống nhất phương án giữ lại 1 phần gạo dư (chế độ của học sinh chưa ăn hết trong năm học) tại trường để khi bắt đầu năm học mới các em sẽ có gạo ăn ngay. Khi tới trường, gia đình, học sinh không cần mang theo rau, gạo, thực phẩm… đóng góp trong lúc chế độ của học trò bán trú chưa kịp về tới trường. Khi có chế độ, nhà trường sẽ tiếp nối luôn vào các tháng sau...

Đối với rau xanh, từ 1/8, khi giáo viên trả phép cùng với hơn 60 phụ huynh đã bắt tay vào dọn dẹp, nhổ cỏ, cuốc đất, khai luống trồng rau. Khoảng 1.000 m2 vườn được trường lựa chọn trồng rau cải bởi thời gian thu hoạch đúng dịp đầu năm học mới. Sau thu hoạch, củ cải sẽ tiếp tục được sử dụng làm giống cho lứa sau.  Đối với nguồn thực phẩm tươi sống, nhà trường đặt đơn vị chuyên cung cấp thực phẩm. Đúng   ngày, giờ đơn vị sẽ cung cấp tận bếp nhà trường…

Cô Đinh Loan Vân - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ - Hà Giang) cũng chia sẻ kinh nghiệm của nhà trường trong việc duy trì bữa ăn bán trú cho học sinh đầu năm học: Chế độ cho học sinh bán trú thường được cấp muộn hơn ngày các em tựu trường và khai giảng. Vì vậy để học sinh không bị đứt bữa những ngày đầu trở lại học tập, nhà trường trữ lại một phần gạo các em dùng không hết của chế độ năm trước. Cuối tháng 9, đầu tháng 10 khi gạo theo chế độ học sinh bán trú cấp về, trường sẽ trích ra trả lại phụ huynh.

Theo cô Vân, năm nay trường dồn học sinh ở 5 điểm lẻ về trường chính, vì vậy phải có phương án tích trữ lương thực phù hợp để duy trì gần 400 suất ăn cho các em học bán trú trong tháng 9. Cùng với ổn định lương thực, nhà trường đã liên hệ với đơn vị cung cấp thực phẩm đặt hàng tươi sống, rau xanh và chủ động số lượng cung cấp. Tránh tình trạng bếp ăn bị động nguồn thực phẩm khi học sinh trở lại trường. Hoặc tình trạng khan hiếm thực phẩm, nhà cung cấp tăng giá…

Thầy Vi Hoài Thanh – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS A Mú Sung (Bát Xát - Lào Cai) cũng khẳng định công tác bảo đảm lương thực, thực phẩm đón học sinh trở lại trường lớp đã sẵn sàng trước khai giảng.

Từ 2/8, giáo viên toàn trường đã ra vườn, gieo trồng 5kg hạt giống cải củ. Hiện rau đã lên xanh. Vào năm học mới chắc chắn sẽ thu hoạch đủ cho 357 suất ăn cho học sinh bán trú. Và ngay sau khi các em quay lại lớp, nhà trường cũng tiếp tục tăng gia sản xuất, trồng thêm nhiều loại rau cho các tháng tiếp theo.

Đối với gạo, cũng như những trường vùng cao khác, trường đã tích trữ khoảng 4 tấn gạo dư của các em từ lớp 3 đến lớp 8 trong năm học trước để bếp ăn có thể duy trì ngay và liên tục trong hơn 1 tháng của năm học mới.

Từ Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Bố Trạch (Quảng Bình), thầy Hiệu trưởng Trần Đình Hòa cho biết: Năm học mới trường có 288 học sinh. Trường đã làm việc với nhà cung cấp thực phẩm để đặt hàng về lương thực, thực phẩm. Trước khai giảng 3 - 4 ngày các mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm, đồ khô, trứng… sẽ được chuyển tới bếp ăn của trường. Rau xanh và một số củ quả cần độ tươi xanh sẽ được cung cấp theo ngày.

Theo thầy Trần Đình Hòa, sở dĩ nhà trường không triển khai tích trữ gạo từ năm học trước để dùng cho những tháng đầu năm học mới bởi chế độ của học sinh nội trú hàng tháng đều sát với nhu cầu nên gần như không dư thừa. Tuy nhiên, điều này không quá lo lắng bởi nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhà trường khá ổn định.

Mặt khác, năm nay trường được một số đơn vị, nhà hảo tâm tặng tủ cấp đông. Như vậy, vào tháng 10, khi mùa mưa lũ về nhà trường có sẵn các thiết bị để bảo quản, tích trữ thực phẩm dù địa bàn bị chia cắt. Việc duy trì hàng trăm suất ăn của học sinh nội trú sẵn sàng trong mọi tình huống.

Vườn rau xanh Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố (Bắc Hà – Lào Cai) được thầy cô giáo bắt tay cải tạo từ 1/8. Ảnh: NTCC
Vườn rau xanh Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố (Bắc Hà – Lào Cai) được thầy cô giáo bắt tay cải tạo từ 1/8. Ảnh: NTCC

Giải pháp “kéo” học sinh trở lại lớp

“Tình trạng học sinh không ra lớp, chậm ra lớp đầu năm học mới gần như chấm dứt. Giáo viên cũng không vất vả trong việc gọi học sinh trở lại trường lớp. Một phần quan trọng có được kết quả này bởi các bữa ăn bán trú học sinh được duy trì. Học sinh tới trường không chỉ học tập mà còn được bảo đảm về sức khỏe qua chế độ dinh dưỡng các bữa ăn. Nhiều phụ huynh đánh giá cao và cảm phục nhà trường trong công tác chăm nuôi học sinh…”, thầy Nguyễn Tiến Công bày tỏ.

Đồng quan điểm, cô Đinh Loan Vân chia sẻ: Với học sinh dân tộc, vùng cao, khó khăn, việc duy trì nguồn thực phẩm tại chỗ rất cần thiết trong các dịp khai giảng, nghỉ Tết để kéo các em trở lại trường. Để học sinh đứt bữa, hoặc thiếu ổn định đầu năm học mới sẽ khiến việc duy trì sĩ số khó khăn. Từ đó chất lượng giáo dục khó bảo đảm.

Nhiều năm qua, nhờ làm tốt duy trì bữa ăn bán trú, suất ăn luôn bảo đảm chất lượng nên sức khỏe, cân nặng của học sinh nhà trường được tăng cường đáng kể. Tỉ lệ trẻ còi, thấp… giảm. Đặc biệt tình trạng học sinh bỏ học, trốn học đầu năm học mới giảm đáng kể. Nhiều em háo hức tới trường, thậm chí trở lại trường sớm vì có bữa ăn đủ lượng, chất.

Thầy Trần Đình Hòa cũng khẳng định việc bảo đảm chất và lượng các bữa ăn cho học sinh nội trú được nhà trường coi trọng và xem như giải pháp để kéo các em trở lại trường lớp nhanh nhất trong dịp đầu năm học. Bởi khi các em cảm nhận được sự quan tâm tận tình, được chăm sóc chu đáo sẽ có thêm động lực để đến trường học tập, không bỏ học, nghỉ học. Việc xây dựng thực đơn bữa ăn tại trường (đặc biệt dịp đầu năm học mới) được nhà trường yêu cầu cao đối với bộ phận nấu bếp…

“Tự chủ động được nguồn rau quanh năm, trường không chỉ tiết kiệm được một khoản chi lớn (15 - 22 triệu đồng/năm) mà thông qua hoạt động tăng gia sản xuất có thể dạy học sinh những kiến thức kĩ năng quan trọng về trồng trọt, hỗ trợ hữu ích cho cuộc sống các em sau này…”, thầy Vi Hoài Thanh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ