Tích cực chăm lo công tác giáo dục ở địa phương miền núi

GD&TĐ - Hình ảnh lễ khai giảng của thầy và trò Trường tiểu học Thái Sơn (Bảo Lâm, Cao Bằng) đã gây “bão” mạng những ngày vừa qua với nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều 

Đường trơn trượt rất dễ ngã nhưng các cô vẫn kiên trì với gánh nặng trên vai là những chiếc bàn học, ghế ngồi của học sinh vùng cao.
Đường trơn trượt rất dễ ngã nhưng các cô vẫn kiên trì với gánh nặng trên vai là những chiếc bàn học, ghế ngồi của học sinh vùng cao.

Hình ảnh cho thấy trên nền đất ẩm ướt với nhiều trũng nước, khoảng 40 em học sinh ngồi xổm. Dưới mái hiên là đại diện một số ban, ngành địa phương và thầy cô giáo ngồi bàn ghế dự khai giảng.

Ngay khi xuất hiện, hình ảnh đã được lan truyền nhanh chóng và gây nhiều tranh cãi trái chiều. Nhiều ý kiến phê bình tại sao lại tổ chức khai giảng một cách sơ sài, thiếu điều kiện, không có bàn ghế và gây phản cảm như vậy; ý kiến khác lại chia sẽ với những khó khăn, vất vả của thầy và trò nơi đây…

Tôi thì cho rằng hình ảnh ấy thật xúc động, dù có khó khăn như thế nào đi chăng nữa, thầy và trò vẫn có thể tổ chức một buổi khai giảng để phát động một năm học mới hiệu quả, thể hiện niềm mong ước và khát khao của thầy và trò nơi đây, đó là dạy và học thật tốt để các em biết được cái chữ, thoát được cái nghèo, trở thành công dân có ích cho xã hội…

Hình ảnh trên cho thấy, ngành giáo dục còn nhiều việc phải làm, song song với việc đổi mới trong giáo dục hiện nay thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm đó là, củng cố, kiện toàn cơ sở vật chất của các cở sở giáo dục ở miền núi.

Không chỉ phát huy nội lực của ngành giáo dục mà còn kêu gọi các tổ chức, cá nhân tài trợ ở trong và ngoài nước, các mạnh thường quân ủng hộ, đóng góp để xây dựng những ngôi trường kiên cố, vững chải và khang trang hơn, có khả năng chống chọi với mọi điều kiện thời tiết.

Ngoài việc củng cố, xây dựng các cơ sở giáo dục ở miền núi, còn phải có chính sách hỗ trợ đối với học sinh nơi đây. Bởi vì, hầu hết các em học sinh đều có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, phải phụ giúp gia đình từ khi còn rất nhỏ như phải trông em, thu hoạch mùa màng…; khả năng tiếp thu kiến thức hạn chế so với học sinh cùng lứa ở miền xuôi, do đó, nguy cơ các em bỏ học là rất cao.

Để động viên các em học tập đầy đủ, nhiều giáo viên phải đến từng nhà để vận động các em, có trường hợp, khi thấy cô đến nhà thì các em lại bỏ trốn. Hoặc nhiều trường hợp các em phải bỏ học để đi lấy chồng do phong tục hoặc bị cha mẹ ép buộc…

Mỗi học sinh đều có những hoàn cảnh khác nhau như có em đi học nhưng phải địu em trên lưng, vừa học, vừa chăm sóc em; có em phải đi bộ hàng chục cây số mỗi ngày để đến trường…Và rất nhiều khó khăn, vất vả của học sinh nơi đây không thể kể ra hết nhưng các em điều có chung một khát khao đó là được học cái chữ, cái kiến thức để thay đổi cuộc sống của mình.

Hơn ai hết, các học sinh nơi đây rất cần sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa của nhà nước; sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân để tiếp sức các em đến trường, không để trường hợp nào phải nghỉ học chỉ vì cuộc sống khó khăn.

Đối với giáo viên đang công tác tại địa phương miền núi, thì họ là những người thiệt thòi hơn so với đồng nghiệp đang công tác ở miền xuôi. Nhiều giáo viên chưa thể lập gia đình do đặc thù công việc; hạnh phúc gia đình của nhiều giáo viên không trọn vẹn…nhưng họ vẫn cố gắng vượt qua những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ cao cả.

Những giáo viên đã gắn bó, công tác ở nơi đây rất cần sự quan tâm, giúp đỡ không chỉ về vật chất mà còn cả tinh thần để họ yên tâm công tác, cống hiến lâu dài. Vì vậy, ngành giáo dục phải có chính sách ưu tiên cho những giáo viên này, nhất là thực hiện tốt công tác luân chuyển sau khi họ có đủ thời gian công tác.

Trở lại với hình ảnh về lễ khai giang của thầy và trò Trường tiểu học Thái Sơn đã gây “bão” mạng thời gian qua, chúng ta không nên khen hay chê hoặc bình luận gì về hình ảnh đó, mà cần phải có sự cảm thông, chia sẽ, động viên và chung tay để giúp đỡ thầy và trò nơi đây.

Khi thấy hình ảnh đó, hy vọng ngành giáo dục cũng như các nhà hảo tâm sẽ có những hành động cụ thể, thiết thực để ngày khai giảng năm sau của thầy và trò Trường tiểu học Thái Sơn cũng như nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được tổ chức một cách khang trang và ấm áp… hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ