Thụy Sĩ mở cửa trường học: Ưu tiên sức khỏe của học sinh

GD&TĐ - Bước vào năm học mới 2021 - 2022, ở Thụy Sĩ, số lượng ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng cao bởi biến chủng Delta có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn.

Học sinh trung học ở thành phố Zofingen, bang Aargau (Thụy Sĩ).
Học sinh trung học ở thành phố Zofingen, bang Aargau (Thụy Sĩ).

Do đó, để an toàn trong quá trình dạy học trực tiếp, nhiều giáo viên cho rằng các trường phổ thông cần tiếp tục xét nghiệm Covid-19 hàng loạt cho học sinh và tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng dịch.

Ưu tiên hàng đầu

Mới đây, tại một cuộc họp báo chung, các đại diện của 2 trong số các hiệp hội giáo viên lớn nhất của Thụy Sĩ là Hiệp hội nói tiếng Đức LCH và Hiệp hội nói tiếng Pháp SER, cho biết: “Đại dịch Covid-19 còn chưa kết thúc. Vì vậy, bảo vệ sức khỏe của học sinh và giáo viên vẫn là ưu tiên hàng đầu”. Tuyên bố này được đưa ra trước lễ khai giảng năm học mới ở bang Aargau.

Ở các bang khác của đất nước, học sinh bắt đầu trở lại trường từ giữa tháng 8. Các biện pháp phòng dịch như giữ khoảng cách, rửa tay và thông gió phòng học vẫn được duy trì, mặc dù học sinh các lớp cuối cấp không còn phải đeo khẩu trang. Đồng thời, các bang có thể đưa ra các quyết định khác tùy tình hình thực tiễn.

“Tiếp tục xét nghiệm Covid-19 thường xuyên cho học sinh sẽ giúp phát hiện nhanh các trường hợp lây nhiễm mới. Các bang như Graubünden đã áp dụng việc xét nghiệm virus thường xuyên ở các trường phổ thông. Hy vọng công việc này sẽ mang lại kết quả khả quan. Nhưng mỗi bang phải tự quyết định có tiến hành xét nghiệm Covid-19 thường xuyên cho học sinh trong năm học mới hay không”, ông Beat Schwendimann, ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Giáo viên LCH, nói.

Vấn đề tiêm chủng

Vấn đề tiêm chủng cho giáo viên và học sinh vẫn còn phức tạp. Theo ông Beat Schwendiemann, các hiệp hội giáo viên mong muốn giáo viên tự nguyện tiêm chủng theo chế độ ưu tiên. “Giáo viên thuộc nhóm nguy cơ cao và những người có nguyện vọng tiêm chủng nên được ưu tiên. Nhưng, quyền quyết định tiêm hay không thuộc về mỗi người trong họ”.

Bước vào năm học mới ở Thụy Sĩ, học sinh trên 12 tuổi được quyền tiêm vắc-xin Pfizer và Moderna. Bang Aargau dự định tổ chức các trạm tiêm chủng lưu động cho học sinh trên 15 tuổi và có thể cho cả những em vừa tròn 12 tuổi. Ông Beat Schwendiemann đánh giá tích cực sáng kiến ​​này. Tuy nhiên, giáo viên trung học ở Thụy Sĩ không bắt buộc phải tiêm chủng hoặc xác nhận có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 hoặc đã hồi phục sau khi điều trị Covid-19 và có kháng thể.

Thầy giáo và học sinh lớp 6 một trường THCS ở thành phố Neuenhof, bang Aargau (Thụy Sĩ).
Thầy giáo và học sinh lớp 6 một trường THCS ở thành phố Neuenhof, bang Aargau (Thụy Sĩ). 

Con đường của Thụy Sĩ

Không như các nước láng giềng Đức và Ý, các trường phổ thông Thụy Sĩ vẫn hoạt động trong suốt năm học vừa qua, ngoại trừ mùa xuân năm 2020 khi đại dịch mới bắt đầu. Ông Beat Schwendimann nói: “Chính phủ liên bang hợp tác với các bang một cách khó khăn, nhưng cuối cùng đã tìm được tiếng nói chung trong việc vừa bảo vệ người dân vừa giữ cho các ngành dịch vụ và kinh doanh hoạt động”.

Các trường phổ thông ở Thụy Sĩ áp dụng các biện pháp an toàn và vệ sinh nghiêm ngặt, liên tục đổi mới và điều chỉnh chúng theo tình hình dịch tễ. Ví dụ, tháng 10/2020, chính phủ liên bang đã can thiệp và bắt buộc những học sinh cuối cấp đeo khẩu trang (biện pháp này đã bị hủy bỏ ngay trước khi bắt đầu kỳ nghỉ hè).

“Giáo viên và hiệu trưởng các trường phổ thông đã rất nỗ lực để bảo đảm cho tất cả học sinh được học tập liên tục”, ông B. Schwendimann nói. Tuy nhiên, số ca nhiễm Covid-19 mới ở Thụy Sĩ hiện đang gia tăng. Các chuyên gia ở Thụy Sĩ dự báo chủng Delta sẽ lây lan nhanh hơn ở những người chưa được tiêm chủng, và đặc biệt là ở học sinh dưới 12 tuổi.

Bộ trưởng Nội vụ Thụy Sĩ (phụ trách y tế) Alain Berset cho biết, bất kỳ sự nới lỏng nào trong ứng phó với đại dịch Covid-19 cũng phụ thuộc vào tình hình thực tế của dịch.

Những khó khăn khác

Trong khi đó, các trường phổ thông Thụy Sĩ cũng gặp phải những vấn đề khác. Trong cuộc họp báo nói trên, các đại biểu nhấn mạnh, đất nước vẫn còn thiếu giáo viên như trước. Đại diện các hiệp hội giáo viên cho rằng, nếu đội ngũ giáo viên trong nước được coi trọng hơn, được bảo đảm mức lương công bằng và chế độ làm việc linh hoạt hơn thì giới trẻ sẽ sẵn sàng đi theo nghề này.

Hiệp hội giáo viên cũng đề nghị chính quyền tiếp tục tổ chức các chuyến tham quan, đi dã ngoại của học sinh. Vì điều này quan trọng đối với sự phát triển xã hội của học sinh và đạt được các mục tiêu nhất định trong việc phát triển chương trình dạy học.

Ngoài ra, các đại biểu tham dự hội nghị cũng lo lắng về việc thanh niên đang gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Phần lớn học sinh tốt nghiệp THPT ở Thụy Sĩ thích hệ thống dạy nghề. Trong khi đó, các hoạt động tập thể như ngày mở cửa hoặc hội chợ việc làm đã và đang là một phần không thể thiếu của “mô hình đào tạo kép” của Thụy Sĩ. Tuy nhiên, trong thời kỳ đại dịch, hầu hết các hoạt động này đều bị hủy bỏ hoặc chuyển sang chế độ trực tuyến, không mang lại hiệu quả tương ứng.

Theo Swissinfo.ch

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng rùa với thiết bị gây nhiễu đặc biệt.

Clip UAV FPV chịu thua xe tăng rùa

GD&TĐ - Máy bay không người lái kamikaze góc nhìn thứ nhất (FPV) của Ukraine đã không hiệu quả khi tấn công những xe tăng rùa của Nga trên chiến trường.
Minh họa/INT

Khi nào Hamas buông súng?

GD&TĐ - Việc phát hiện hố chôn gần 240 thi thể trong bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, thể hiện rõ nhất sự đẫm máu của cuộc xung đột.