Thủy điện xả lũ liên tục, cầu Chôm Lôm bị cuốn đứt gãy 1 mố cầu

GD&TĐ - Chiếc cầu Chôm Lôm bắc qua sông Lam thuộc địa phận xã Lạng Khê, huyện Con Cuông đã bị nước lũ cuốn trôi một mố cầu. Chính quyền địa phương đang nỗ lực, huy động mọi lực lượng, máy móc, phương tiện giữ cầu.

Mố cầu Chôm Lôm (xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An) bị lũ cuốn đứt gãy
Mố cầu Chôm Lôm (xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An) bị lũ cuốn đứt gãy

Hai ngày 30 – 31/8, nhiều nhà máy thủy điện liên tục xả lũ với lưu lượng lớn kỷ lục khiến nước sông Lam dâng cao nhanh chóng. Hàng trăm bản làng các huyện Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn bị ngập trong nước, nguy cơ lũ lụt nặng ở vùng hạ du.

Vào khoảng 6h45p sáng nay, ngày 1/9, cầu Chôm Lôm bắc qua sông Lam tại địa phận bản Chôm Lôm, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông đã bị nước lũ cuốn đứt gãy một mố cầu phía Nam gần đường quốc lộ 7, chiều dài khoảng 6 mét. Phần mố cầu gãy đã bị cuốn trôi.

Ông Hoàng Sỹ Kiện – Phó Bí thư Huyện ủy Con Cuông (Nghệ An) cho biết: Nước sông Lam chảy xiết, dữ dội khiến cầu Chôm Lôm bị đứt đường dẫn lên cầu cùng với 1 mố cầu.

Trước đó, nhận thấy tình hình lũ mạnh, gây nguy hiểm, huyện Con Cuông đã đổ 1.000m3 đá hộc để chèn giữ cầu Chôm Lôm. Nhưng nhiều thủy điện xả lũ liên tục lưu lượng quá lớn khiến nỗ lực của chính quyền và người dân không thể giữ được cầu nguyên vẹn.

Chính quyền địa phương huy động lực lượng, máy móc, phương tiện giữ cầu Chôm Lôm
Chính quyền địa phương huy động lực lượng, máy móc, phương tiện giữ cầu Chôm Lôm 

Hiện chính quyền huyện Con Cuông đã huy động 3 máy xúc, 16 xe ô tô vận tải chở đá hộc ở các huyện Anh Sơn, Tương Dương, Con Cuông đến hiện trường chèn đá vào điểm mố cầu đứt. "Huyện đã đổ 1.000 m3 đá hộc, dự kiến cần khoảng 5.000 m3 đá hộc mới lấp đầy. Sau đó sẽ kè xung quanh mố cầu và đổ bê tông", ông Hoàng Sỹ Kiện cho biết phương án giữ cầu.

Cầu Chôm Lôm bị đứt gãy khiến 3 bản Đồng Tiến, Chôm Lôm, Yên Hòa của xã Lạng Khê, với hơn 500 hộ dân, học sinh không đi qua được cầu. Nếu muốn đi sang đường quốc lộ 7, người dân phải đi vòng lên xã Tam Quang (huyện Tương Dương) để đi qua cầu Khe Bố.

Trước đó, ngày 31/8, thủy điện Bản Vẽ xả lũ kỷ lục từ trước đến nay với lưu lượng xả thời điểm cao nhất là 4.300m3/s đã khiến cầu Bản Vẽ (xã Yên Na, huyện Tương Dương) bị gãy, cuốn trôi. Cầu Bản Vẽ làm bằng bê tông, là tuyến đường độc đạo nối bản Vẽ với những bản còn lại.

Cách đây 12 năm, vào ngày 7/10/2006, lũ lớn trên sông Lam đoạn qua bản Chôm Lôm làm đắm đò chở học sinh đi học, khiến 19 em học sinh trường THCS Lạng Khê chết và mất tích. Vụ đắm đò quá thương tâm và khủng khiếp làm ám ảnh người dân nơi đây nhiều năm sau đó. Nhiều đơn vị, tổ chức, cùng nhân dân trong và ngoài nước đã chung đóng góp để xây dựng cầu Chôm Lôm, cho học sinh và bà con qua sông an toàn.

Công trình cầu Chôm Lôm do Sở GTVT Nghệ An làm chủ đầu tư, dài 178,4m, rộng 2,28m, đặt cách bến đò 130m về phía thượng lưu, tổng mức đầu tư là 5,9 tỉ đồng. Cầu gồm 2 nhịp dẫn (mỗi nhịp 18m), 4 bó cáp, liên kết cáp chủ với dây đeo bằng bulông và thép bản. Cổng cầu đúc bằng thép, trụ cao 14,2m đã gắn thiết bị thu lôi chống sét. Đường hai phía tả - hữu ngạn sông Lam đến chân cầu dài hơn 300m, rộng 4m, đổ bê tông. Cầu khánh thành và đưa vào sử dụng tháng 11/2007.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.