Thủy điện miền Trung "khát" nước

Nhiều nhà máy thủy điện ở miền Trung đang được yêu cầu dừng phát điện để dành nước cho mùa khô sang năm.

Thủy điện sông Bung 4 đangthiếu gần 80 triệu m3 nước. Ảnh:Đắc Thành.
Thủy điện sông Bung 4 đangthiếu gần 80 triệu m3 nước. Ảnh:Đắc Thành.

Tháng 12 hàng năm, nhà máy thủy điện sông Bung 4, xã Tà Pơơ, huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) thường bước vào cao điểm sản xuất, bởi đây là giai đoạn cuối mùa mưa, lòng hồ tích đầy nước. Song năm nay hai tổ máy phát điện của nhà máy này đang dừng hoạt động vì thiếu nước. Trên bờ đập, mực nước cách cao trình gần 7 m, đồng nghĩa nước còn thiếu trong hồ chứa khoảng 80 triệu m3.

Theo ông Lê Đình Bản, Giám đốc Công ty thủy điện sông Bung, chủ đầu tư nhà máy thủy điện sông Bung 4, "trong 5 năm hoạt động, đây là lần đầu tiên nhà máy rơi vào cảnh thiếu nhiều nước như vậy".

Ông Bản thông tin thêm, hai tổ máy của thủy điện sông Bung 4 đã dừng hoạt động gần một tháng qua. Tuy nhiên, mỗi khi hệ thống điện quốc gia thiếu điện vào giờ cao điểm thì hai tổ máy này sẽ "chạy ứng cứu một đến hai tiếng, thời gian còn lại dừng để giữ nước".

Về nguyên nhân thiếu nước, lãnh đạo thủy điện sông Bung nói, do những tháng đầu và giữa năm 2019 nắng nóng, cuối năm lại ít mưa. "Mọi năm cứ đến mùa mưa thì nước về đầy hồ. Nhưng năm nay mưa chủ yếu ở đồng bằng, còn miền núi rất ít nên nước không về hồ", ông Bản cho hay.

Cũng trên địa bàn Quảng Nam, hiện nước trong hồ chứa của nhà máy sông Bung 2 (huyện Nam Giang) mới đạt khoảng 30% dung tích; thủy điện A Vương (huyện Đông Giang) 25% dung tích... 

Trước tình trạng trên, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã đề nghị các thủy điện dừng phát điện đến ngày 30/12, đảm bảo ưu tiên cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp ở hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn.

Ngoài ra, lãnh đạo Quảng Nam cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đắp đập ngăn mặn sớm, không để mặn xâm nhập sâu vào ruộng đồng; thực hiện một số giải pháp tiết kiệm nước và chuyển đổi cây trồng phù hợp với thời tiết.

Tại Thừa Thiên Huế, nắng hạn kéo dài kiến mực nước hồ thủy điện Bình Điền (thị xã Hương Trà) xuống thấp, nhiều mô đất trồi lên giữa hồ trơ sỏi đá. Vào thời gian này những năm trước, các mô đất đó đều ngập dưới nước. Do mực nước xuống thấp, nhiều hộ dân nuôi cá phải dời lồng ra khu vực giữa hồ để tránh cá chết vì nước nóng.

Thủy điện Bình Điền thiếu 300 triệu m3. Ảnh: Võ Thạnh.

Thủy điện Bình Điền thiếu 300 triệu m3. Ảnh:Võ Thạnh.

Thủy điện Bình Điền có dung tích hồ chứa hơn 423 triệu m3, hiện thiếu hơn 300 triệu m3. Trong năm 2019, thủy điện này chỉ hòa vào lưới điện quốc gia được 102 triệu kWh, trong khi các năm trước là 181 triệu kWh.

Ông Nguyễn Quang Hải, Tổng giám đốc nhà máy thủy điện Bình Điền lo ngại, "nếu trời không có mưa lớn và nắng hạn kéo dài, năm 2020 việc sản xuất điện của doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn, dự báo tiếp tục thiếu hụt khoảng 70 triệu kWh hòa vào lưới điện quốc gia".

Theo ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, không riêng hồ Bình Điền mà mực nước các hồ chứa trên địa bàn đều xuống thấp bởi nắng hạn kéo dài, lượng mưa trên địa bàn không lớn. "Tỉnh đã lên phương án phòng hạn hán cho năm 2020, trong đó các hồ thủy điện có trách nhiệm phục vụ nước cho tưới tiêu nông nghiệp khi cần thiết", ông Hùng nói.

Tại Nghệ An, sau 9 năm vận hành, thủy điện Bản Vẽ hiện tích được lượng nước thấp nhất so với cùng kỳ các năm. Ngày 18/12, mực nước tại hồ chứa thủy điện này đạt 193 m, thấp hơn 7 m so với mực nước dâng bình thường 200 m. Hiện tại lưu lượng nước đổ về hồ chỉ 30 m3/s, thấp hơn so với bình quân 50 m3/s những năm trước đây. 

"Theo quy trình liên hồ chứa, đến đầu tháng 2/2020, hồ phải đạt cao trình 193 m, tuy nhiên hiện lượng nước đổ về hồ rất ít và thời gian tới hồ phải xả để phục vụ sản xuất nông nghiệp", ông Tạ Hữu Hùng, Giám đốc nhà máy thủy điện Bản Vẽ cho hay.

Một góc lòng hồ Bản Vẽ ngày 18/12. Ảnh: Nguyễn Hải.

Một góc lòng hồ Bản Vẽ ngày 18/12. Ảnh:Nguyễn Hải.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, tổng sản lượng thủy điện trong các hồ thủy điện vào đầu năm 2020 sẽ thấp hơn so với mực nước dâng bình thường là 4,55 tỷ kWh. Tình trạng này chủ yếu do giai đoạn cuối năm 2019, lưu lượng nước về nhiều hồ thủy điện trên toàn quốc, trong đó một số hồ thủy điện lớn ở miền Trung thấp hơn so với trung bình nhiều năm.

Trước dự báo hạn hán sẽ xuất hiện ở nhiều khu vực, Bộ Công Thương cho hay sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành để điều tiết các hồ chứa thủy điện "đảm bảo sử dụng hiệu quả". Bộ này cũng đề nghị các địa phương cần chủ động thực hiện giải pháp tích nước, giảm sự phụ thuộc vào việc xả nước từ các hồ thủy điện.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba

Kiev khẳng định không có Kế hoạch B

GD&TĐ - Ngoại trưởng Ukraine cho biết, Kiev không có kế hoạch B cho cuộc xung đột với Nga nếu Quốc hội Mỹ từ chối phê duyệt thêm viện trợ quân sự cho nước này.
Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…