Hoạt động trên nhằm giúp học sinh không bị phụ thuộc vào các thiết bị kỹ thuật số.
Chị Catarina Branelius, giáo viên lớp 3 Trường Tiểu học Djurgardsskolan, Stockholm, Thụy Điển, cho biết cô hướng dẫn học sinh sử dụng máy tính bảng một cách phù hợp, có chọn lọc thay vì sử dụng toàn thời gian.
“Khi dạy môn Toán, tôi tạo trò chơi trên máy tính bảng để học sinh làm quen với kỹ năng tính toán. Nhưng sang môn Ngôn ngữ, tôi không sử dụng máy tính để hướng dẫn học sinh cách viết. Học sinh dưới 10 tuổi cần thời gian để rèn luyện cách viết tay trước khi các em sử dụng bàn phím”, chị Catarina cho hay.
Sử dụng các phương pháp học tập truyền thống là vấn đề gây tranh cãi của ngành Giáo dục Thụy Điển trong năm học này. Nhiều chính trị gia, chuyên gia Thụy Điển mong muốn đất nước sẽ đẩy mạnh số hoá trong ngành Giáo dục để học sinh tiếp nhận những kiến thức, kỹ năng công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu toàn cầu hoá. Tuy nhiên, số khác không đồng tình với quan điểm trên.
Bộ trưởng Trường học Thụy Điển Lotta Edholm là một trong những chỉ trích mạnh mẽ nhất việc phủ toàn diện công nghệ trong trường học. Trong một cuộc họp báo, bà Lotta nhấn mạnh: “Học sinh Thụy Điển cần nhiều sách giáo khoa hơn. Sách vật lý là rất quan trọng đối với việc học tập của các em”.
Chia sẻ với tờ AP, bà Lotta cho biết Bộ có kế hoạch dừng việc học kỹ thuật số đối với trẻ em dưới 6 tuổi. Bộ cũng không tán thành quyết định của Cơ quan Giáo dục Quốc gia về việc bắt buộc sử dụng thiết bị kỹ thuật số trong các trường mầm non.
Năm 2023, Viện Karolinska, Thụy Điển, đã công bố kết quả nghiên cứu về chiến lược số hóa quốc gia trong giáo dục. Theo đó, các công cụ kỹ thuật số không củng cố mà làm suy giảm khả năng học tập của học sinh.
Đại diện Viện Karolinska cho hay: “Chúng tôi tin rằng ngành Giáo dục nên trở lại với trọng tâm là trau dồi kiến thức qua sách giáo khoa giấy và kiến thức chuyên môn của giáo viên. Học sinh không nên phụ thuộc vào các nguồn kỹ thuật số sẵn có nhưng chưa được kiểm duyệt độ chính xác”.
Việc áp dụng số hóa trong trường học như thế nào là vấn đề mà các nước phương Tây đặc biệt quan tâm. Tại Ba Lan, Chính phủ vừa triển khai chương trình tặng máy tính xách tay cho học sinh từ lớp 4 nhằm giúp đất nước cạnh tranh hơn về mặt công nghệ.
Tại Mỹ, các trường công lập đẩy mạnh đưa kỹ thuật số vào giảng dạy. Tuy nhiên, ở những khu vực khó khăn, giáo viên vẫn giảng dạy theo phương pháp truyền thống để đảm bảo học sinh có quyền tiếp cận giáo dục như bạn đồng trang lứa.
Em Liveon Palmer, 9 tuổi, học sinh Trường Tiểu học Djurgardsskolan, chia sẻ: “Cháu thích luyện viết tay vì viết trên giấy mang lại cảm giác dễ chịu hơn. Vì thế cháu rất thích những giờ học truyền thống”.