Sa sút chất lượng
Khoảng 245.000 người nhập cư tới quốc gia vùng Scandinavia từ năm 2014 đến nay, 70.000 người trong số đó dưới 18 tuổi.
Hầu hết trong số người nhập cư trẻ tuổi này đến từ Sirya, Afghanistan và Iraq – đã bị tước đi giáo dục bởi chiến tranh và lưu vong.
Chuẩn giáo dục của nhóm này thường kém xa bạn đồng niên Thụy Điển, bên cạnh học một ngôn ngữ và bảng chữ cái mới, các em cũng phải thích nghi với những cách tư duy và học tập mới.
Hệ thống trường học Thụy Điển đang đối mặt với những thách thức to lớn bao gồm: Thiếu hụt giáo viên nghiêm trọng, cần có thêm 60.000 giáo viên vào năm 2019; kết quả giảm sút tại các kì khảo sát trình độ học sinh quốc tế; chất lượng giáo dục cũng chênh lệch rất lớn giữa các trường…
Một báo cáo của UNICEF công bố hồi tháng 4 năm nay cho thấy Thụy Điển, cùng với nước láng giềng Phần Lan, là những nước có chất lượng GD giảm sút nhất trong giai đoạn 2006 - 2012.
Cơ quan GD quốc gia Thụy Điển xác định nguyên nhân chất lượng GD chung bị kéo thụt lùi là bởi số lớn học sinh nước ngoài có kết quả quá kém do rào cản ngôn ngữ.
Năm 2014, 14% học sinh không đủ năng lực chuyển cấp lên bậc THPT (dành cho học sinh từ 16 - 18 tuổi), so với chỉ 4% năm 2006. Nguyên nhân là số học sinh lớn hơn tuổi vào lớp 1 (6 tuổi) nhập cư tới Thụy Điển tăng.
Tìm giải pháp
Tại Sodertalje, Nam Stockholm, 37% cư dân sinh ở nước ngoài. Ba năm trước, chính quyền Sodertalje quyết định phân bổ 2 giáo viên cho mỗi lớp học ở bậc tiểu học.
“Học sinh nhận được thêm sự hỗ trợ, các lớp học có thể điều chỉnh theo nhu cầu của học sinh, đồng thời giáo viên cũng cảm thấy giảm căng thẳng” – bà Monica Sonde, phụ trách GD tại Sodertalje -cho biết.
Biện pháp trên đã mang lại kết quả khả quan khi số học sinh đủ điều kiện học lên THPT đã tăng lên.
Tại Trường Tiểu học và THCS Wasa, 90% học sinh nói tiếng Arab và khoảng 1 trong 5 học sinh mới đến Thụy Điển trong 2 năm qua.
Tuy nhiên Mark Khoazzoum, 11 tuổi, có bố là một bác sĩ tại Aleppo, Syria, chỉ cần 3 tháng học lớp chuyển tiếp trước khi vào học lớp chính thức. Cậu bé giờ nói tốt tiếng Thụy Điển, nhưng ngôn ngữ theo Mark thì “vẫn là một rào cản khi cháu muốn miêu tả điều gì đó”.
Mức độ thách thức mà người nhập cư đối mặt tuỳ thuộc vào quê hương của họ. “Syria có hệ thống giáo dục tương đối tốt trong khi các nước như Iraq, Afghanistan và Somalia có hệ thống giáo dục rất yếu, có nghĩa là nhiều học sinh ở những nước này chưa được tới trường trước khi đến Thụy Điển” – theo Anders Auer, Chuyên gia phân tích chính sách Bộ GD Thụy Điển.
Những trẻ nhập cư mới thường được học trong các lớp học thích ứng, ở đó học sinh học tiếng Thụy Điển, kiểm tra mức độ kiến thức và học kiến thức bằng tiếng mẹ đẻ. Trong khoảng 2 năm, học sinh nói chung mới có thể bắt kịp chương trình chính thức.
Một điểm lạc quan về học sinh nhập cư, theo chuyên gia Auer là “học sinh nước ngoài có động cơ học tập cao hơn so với học sinh tại Thụy Điển”.