Nguyên nhân chính mới được “gọi mặt chỉ tên” là nhóm học sinh nhập cư kéo thụt lùi kết quả giáo dục chung và thứ hạng GD quốc tế.
Học sinh nhập cư “níu” đoàn tàu GD
Học sinh nhập cư không thể đuổi kịp bạn đồng lứa tại Thụy Điển là một nhân tố chính kéo giảm thành tựu giáo dục và điểm thi chung trên cả nước – theo Bộ Giáo dục Thụy Điển.
Tỉ lệ trẻ nhập cư trong trường học Thụy Điển đã tăng vọt từ 3% năm 2006 lên 8% năm 2015. Trong cùng giai đoạn đó, sự sa sút kết quả giáo dục đã dẫn tới tăng tỉ lệ học sinh không thi đỗ THPT từ 10% năm 2006 lên hơn 14% năm 2015 – theo báo cáo có tiêu đề “Tầm quan trọng của nhập cư đối với kết quả giáo dục”.
Theo Bộ Giáo dục thì có tới 85% hiện tượng kết quả học tập kém là do học sinh nhập cư đến Thụy Điển khi đã ở lớp lớn và không thể bắt kịp với các bạn Thụy Điển cùng lứa tuổi.
Trong thập kỉ qua, điểm thi của học sinh Thụy Điển trong kỳ khảo sát quốc tế PISA (do OECD tổ chức), đối với học sinh 15 tuổi, cũng giảm đột biến – sự góp mặt quá nhiều học sinh nhập cư, vốn tụt hậu giáo dục, lại là nguyên do chính – báo cáo của OECD viết.
“Chúng tôi đã biết rằng học sinh nhập cư nói chung có kết quả học thấp hơn trong trường. Nhưng nay chúng tôi biết rõ hơn tỉ lệ học sinh nhập cư tăng ảnh hưởng cụ thể ở mức độ nào tới kết quả giáo dục chung” – phát ngôn viên Bộ Giáo dục cho biết.
Kết quả của Thụy Điển trong khảo sát PISA cũng “giảm trong thập kỉ qua từ mức trung bình xuống dưới mức sâu dưới trung bình. Không có quốc gia nào tham gia PISA có mức giảm sâu như vậy” – OECD nhận xét trong báo cáo 2015. Trong kì khảo sát gần đây nhất năm 2012, Thụy Điển xếp thứ 28 trong 34 quốc gia thuộc OECD về toán, xếp thứ 27 về đọc và 27 về Khoa học.
Hệ thống GD cần thay đổi
Trước sự sa sút của giáo dục Thụy Điển, OECD khuyến cáo Thụy Điển cần nâng cao tiêu chuẩn các trường học và nâng lương cho nhân viên ngành giáo dục nhằm cải thiện chất lượng dạy và học. Theo đánh giá của OECD, bất chấp các biện pháp cải cách, Thụy Điển đã thất bại trong kế hoạch nâng cao chất lượng dạy và học trong hệ thống trường công lập của mình.
Đặc biệt về môn Toán, 48% học sinh nhập cư không đạt các yêu cầu ở môn học này. Từ thực tế này, OECD khuyến cáo Thụy Điển cần ngay lập tức hoạch định một chiến lược cải cách sâu rộng ngành giáo dục trên phạm vi toàn quốc, theo đó các lớp học được trang bị hiện đại, trong khi các nội dung cũng như phương thức dạy và học cần hấp dẫn hơn. Cơ chế lựa chọn trường học miễn phí cũng cần phải thay đổi.
Các chuyên gia cho rằng, để khuyến khích sự say mê, tìm tòi, óc sáng tạo của học sinh, trong những giờ lên lớp, các giáo viên tại Thụy Điển cần đưa ra nhiều thách thức cho các em. Song song với đó là đề cao vị thế của người giáo viên trong xã hội, hiện không được đánh giá đúng, thể hiện qua mức lương thấp không tương xứng với khối lượng công việc lớn. Hiện nhà giáo không còn là nghề nghiệp hấp dẫn ở Thụy Điển, khi chỉ có 5% giáo viên ở nước này cho rằng họ đang hàng ngày làm công việc được xã hội tôn trọng.