Thường xuyên nhịn tiểu, cụ ông 62 tuổi bị vỡ bàng quang

GD&TĐ - Một cụ ông 62 tuổi, làm bảo vệ, có thói quen thường xuyên nhịn tiểu, đến ngày 6/1, ông đang nhịn tiểu thì bị vỡ bàng quang, phải nhập viện.

Theo đó, ngày 6/1, khi đang làm việc cụ ông nghe tiếng "bục" trong bụng. Lúc này, ông có cảm giác đau bụng tuy nhiên không nghĩ bị vỡ bàng quang nên vẫn cố chịu để hoàn thành công việc.

Sau đó, khi thấy mức độ đau ngày càng tăng, ông được đưa vào Bệnh viện E cấp cứu.

Tại Khoa Phẫu thuật Thận - Tiết niệu và Nam học, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị vỡ bàng quang trên nền u tuyến tiền liệt lâu năm nhưng không điều trị, béo phì, thừa cân.

Bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Trưởng Khoa Phẫu thuật Thận - Tiết niệu và Nam học cho biết, đây là ca bệnh rất khó. Nếu không kịp thời xử trí sẽ gây viêm phúc mạc, đe dọa tính mạng.

Sau đó, bác sĩ Liên đã phẫu thuật khâu lại bàng quang bị vỡ, xử lý u tuyến tiền liệt, hút ra khoảng hai lít nước tiểu. Hiện sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định.

Theo bệnh nhân, vì đặc thù công việc nên ban ngày thường xuyên nhịn tiểu còn buổi tối đi tiểu nhiều hơn bình thường, có đêm tiểu 7-8 lần nhưng lại bị cảm giác rất khó khăn, bí tiểu.

Trước đó, cũng gặp tình trạng tương tự như cụ ông trên, vào ngày 05/10/2020, các bác sĩ Bệnh viện hữu nghị Việt Nam -Cuba Đồng Hới đã phẫu thuật cấp cứu thành công một cụ bà 63 tuổi bị vỡ bàng quang.

Ê kíp các bác sĩ Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới phẫu thuật cho cụ bà 63 tuổi bị vỡ bàng quang.
Ê kíp các bác sĩ Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới phẫu thuật cho cụ bà 63 tuổi bị vỡ bàng quang.

Cụ thể, vào ngày 24/9, Khoa Ngoại Thận tiết niệu, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới tiếp nhận bệnh nhân Mai Thị T, 63 tuổi, trú tại xã Hải Ninh (H. Quảng Ninh, T.Quảng Bình) vào viện trong tình trạng đau bụng dữ dội. Các bác sĩ đã thăm khám, siêu âm, chụp phim CT scan phát hiện bệnh nhân bị vỡ bàng quang vào ổ bụng.

Sau đó, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu khâu bàng quang vỡ và hút trong bụng ra hơn 2,5 lít nước tiểu. Hiện tại, sức khỏe cụ bà đã ổn định và được xuất viện.

Theo gia đình kể lại, 3 ngày trước, cụ bà đi xe khách từ Sài Gòn ra Quảng Bình. Trên đường đi, tài xế đã dừng nhiều chỗ để phục vụ hành khách ăn uống và vệ sinh cá nhân. Nhưng bà hổ thẹn nên không đi vệ sinh và nhịn tiểu suốt hành trình.

Khi về đến nhà, cụ xuất hiện đau bụng dưới, khó tiểu, tiểu ít về sau mức độ đau ngày càng tăng và bí tiểu, người nhà đưa cụ nhập viện.

Các chuyên gia cho biết, thường gặp nhất là vỡ bàng quang do chấn thương, còn trường hợp tự vỡ bàng quang hiếm gặp. Theo các bác sĩ, khi lượng nước tiểu trong bàng quang khoảng 500ml, sẽ kích thích bàng quang và tạo cảm giác muốn tiểu tiện. Do vậy, khi có cảm giác này chúng ta nên đáp ứng ngay.

Nhiều người vì công việc hoặc lý do khác thường nhịn tiểu, đây là một thói quen không tốt cho sức khỏe. Về lâu dài, nhịn tiểu có thể dẫn đến rồi loạn tiểu tiện, viêm nhiễm hệ thống thận tiết niệu, sỏi thận, suy thận...,

Trong trường hợp nhịn tiểu lâu dẫn đến bàng quang giãn căng mất trương lực cơ bàng quang. Một vài trường hợp chỉ cần một lực tác động nhẹ dẫn đến vỡ bàng quang gây nguy hiểm đến tính mạng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ