Trường hợp nữ bệnh nhân nói trên là chị Đ.T.N (sinh năm 1981, ngụ huyện Châu Thành A, Hậu Giang).
Theo lời thân nhân, chị đã đặt vòng tránh thai khoảng 10 năm tại “mụ vườn”. Cách đây khoảng 4 năm chị có đến y tế địa phương để lấy vòng ra và được thông báo không thấy vòng tránh thai trong lòng tử cung.
Nghĩ là vòng đã bị tụt ra ngoài nên chị N không đi khám. Gần đây, bệnh nhân hay đau âm ỉ hạ vị kèm tiểu gắt, tiểu ngưng giữa dòng nên đến khám và nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Kết quả siêu âm phát hiện sỏi bàng quang kích thước # 9x17mm, các bác sĩ hội chẩn quyết định nội soi bàng quang.
Trong quá trình phẫu thuật nội soi bàng quang, các bác sĩ phát hiện có dị vật xuyên thành bàng quang tạo thành một khối đường kính khoảng 5mm, nhưng do dị vật bám chắc vào thành bàng quang nên không thể lấy qua nội soi.
Sau đó, các bác sĩ tiến hành chụp cắt lớp vi tính, kết quả ghi nhận: Dụng cụ tránh thai lạc chỗ vùng ngoài tử cung cạnh thành trên, xuyên thành bàng quang, kích thước #3 cm.
Các bác sĩ hội chẩn quyết định phẫu thuật lấy vòng tránh thai bị lạc chỗ. Sau khoảng 1 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra vòng tránh thai dài khảng 4cm được bao chặt bởi các cơ xung quanh. Hiện bệnh nhân ổn định, không sốt, vết mổ khô.
Theo BS.CK2 Nguyễn Phước Lộc, đặt dụng cụ tử cung hay còn gọi là vòng tránh thai là biện pháp tránh thai được nhiều chị em phụ nữ lựa chọn vì có nhiều ưu điểm như: Khả năng tránh thai lên đến 99%, dễ sử dụng, có hiệu quả lập tức và lâu dài, ít tác dụng phụ, chi phí khá rẻ…
Chị em phụ nữ cần tuân thủ thăm khám định kỳ để kiểm tra vị trí chiếc vòng tránh thai. Tuy nhiên, tất cả những ưu điểm trên chỉ phát huy tác dụng với điều kiện vòng tranh thai được đặt tại nơi uy tín và đươc cố định ở đúng vị trí.
Khi vòng tránh thai vô tình “lạc” đến vị trí khác cũng sẽ gây ra không ít vấn đề cho chị em phụ nữ.