Các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương đã từng giật mình khi nội soi cho các bệnh nhi và thấy nhiều trẻ ăn bún từ sáng mà đến chiều vẫn còn nguyên sợi bún trong đường tiêu hóa.
Thông thường, bún được làm từ gạo, là tinh bột nên sẽ phải tiêu hóa nhanh như cơm. Nhưng các bác sĩ nhi cho biết, bệnh nhi ăn bún từ sáng, đến chiều kêu đau bụng, khó chịu nên được bố mẹ cho vào viện kiểm tra.
Kết quả nội soi cho thấy hình ảnh sợi bún ăn vào từ sáng vẫn còn nguyên trong bụng trẻ.
Giải thích về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Khánh Trạch, Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam chỉ rõ, về nguyên tắc, bún là tinh bột nên sẽ tiêu hóa rất nhanh khi vào cơ thể.
Tuy nhiên, khi làm bún, người ta có sử dụng các chất chua và một số chất phụ gia khác như chất huỳnh quang, hàn the để sợi bún dai, giòn, sáng đẹp hơn.
Đây là những chất cấm trong sản xuất thực phẩm, nếu sử dụng trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, gây suy gan, suy thận và lâu dần có thể dẫn đến ung thư.
Đặc biệt với hàn the, đây là chất cấm, nó không có trong danh mục các chất được Bộ Y tế cho phép dùng chế biến thực phẩm do tính độc hại của nó.
Nếu sử dụng hàn the lâu ngày có thể gây ngộ độc tiêu hóa như nôn mửa, đau bụng tiêu chảy, hại thận, gan…
Chính vì thế, để đảm bảo an toàn, GS Trạch khuyến cáo cha mẹ không nên cho trẻ nhỏ ăn bún quá nhiều, nhất là những trẻ có vấn đề về tiêu hóa.
Khi mua bún nên dựa vào một vài đặc điểm để lựa chọn bún sạch, an toàn. Để nhận biết bún sạch không chứa chất hóa học cần dựa vào đặc tính hóa học các phụ gia cấm được cho vào như chất huỳnh quang làm sợi bún trắng trong. Nếu không có chất này sợi bún đục màu cơm.
Còn nếu bún chứa hàn the, sợi bún rất dai và giòn. Chỉ cần dùng tay sờ thử sợi bún có thể thấy bún đó có dùng hàn the hay không. Nếu sợi bún hơi nát, dễ đứt gãy và chạm vào có cảm giác hơi dính, nhuyễn là bún không có hàn the.