Khi bác sĩ kết luận bị K dạ dày giai đoạn 4 và có dấu hiệu di căn xâm lấn, ông Nguyễn Văn H. (Thanh Xuân- Hà Nội) và người nhà vô cùng hoang mang. Bởi tham khảo ý kiến một số người nhà bệnh nhân cũng bị mắc bệnh tương tự thì được họ kể:
Có trường hợp thân nhân của họ quá đau do bệnh nên họ đề nghị bác sĩ cho phẫu thuật nhưng chẳng kéo dài sự sống được bao lâu. Theo họ nếu ung thư di căn không đụng đến dao kéo thì còn kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân, còn nếu đã đụng đến dao kéo thì đi rất nhanh.
Trường hợp khác nói, thân nhân của họ dù bác sĩ chỉ định mổ cắt dạ dày nhưng họ xin không mổ mà điều trị bằng thuốc và hóa xạ trị thì đến nay vẫn sống nhưng họ phải chịu đựng nỗi đau do bệnh gây ra cũng như tác dụng phụ của hóa xạ trị đối với sức khỏe...
Trao đổi với Gia Đình Mới, bác sĩ Trần Xuân Vĩnh - Trung tâm Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết, ung thư dạ dày có nhiều phương pháp điều trị và phẫu thuật dạ dày là biện pháp điều trị nòng cốt trong điều trị căn bệnh trên.
Trong hầu hết các trường hợp ung thư dạ dày, khối u thường to không thể điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật như hóa hay xạ trị (mặc dù đôi khi các phương pháp này giúp phẫu thuật hiệu quả hơn). Do đó, việc lấy đi một phần hoặc toàn bộ dạ dày, ngăn chặn tế bào ung thư lan ra các phần khác của cơ thể là cần thiết.
Nếu bệnh nhân có khối u nhỏ ở phần thấp của dạ dày thì chỉ cần cắt một phần dạ dày là đủ. Nhưng nếu u to, nằm ở phần giữa hay phần cao của dạ dày thì khả năng là phải cắt bỏ toàn bộ dạ dày.
Phẫu thuật cắt dạ dày cũng có thể được chỉ định nếu bệnh nhân có u lành tính. Mặc dù không phải ung thư, nhưng có nguy cơ chúng sẽ chuyển thành ác tính nếu không được lấy đi.
Việc cắt dạ dày một phần, hay toàn phần thuộc vào giai đoạn bệnh, thể bệnh, vị trí bệnh và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Phương pháp này góp phần điều trị triệt căn bệnh với những bệnh nhân ở giai đoạn sớm hoặc giảm nhẹ cho bệnh nhân ở giai đoạn muộn.
Thông thường với cắt dạ dày trong điều trị ung thư, nếu cắt bán phần dạ dày, bệnh nhân được lấy đi phần dưới của dạ dày. Các hạch lân cận cũng được lấy bỏ vì có nguy cơ là các hạch này cũng bị tế bào ung thư di căn.
Khi cắt đi phần dưới dạ dày thì tá tràng là phần đầu ruột non sẽ được bộc lộ và khâu lại. Phần dạ dày còn lại sẽ được kéo xuồng nối với ruột non.
Hình ảnh mô tả tế bào ung thư phát triển trong dạ dày.
Theo thời gian, phần dạ dày còn lại sẽ giãn ra, cuộc sống bệnh nhân trở lại bình thường mặc dù thời gian đầu ăn uống kém hơn và phải chăm sóc kỹ lưỡng chất lượng bữa ăn.
Với cắt toàn bộ dạ dày, khi này, bác sĩ sẽ nối thực quản trực tiếp với ruột non. Ngoài ra, còn phương pháp phẫu thuật cắt dạ dày tạo hình ống tay áo với việc cắt đi phần bên trái của dạ dày, phần còn lại được khâu lại bằng máy khâu nối để làm cho dạ dày nhỏ lại và dài hơn giống như hình quả chuối.
Bác sĩ cho biết, thường ít có trường hợp bệnh nhân phải cắt toàn bộ dạ dày nhưng với trường hợp tế bào ung thư lan rộng, bác sĩ buộc cắt hoàn toàn cơ quan này. Khi đó, thời gian đầu khả năng hấp thụ dinh dưỡng, khoáng chất từ thức ăn sẽ bị ảnh hưởng tuy nhiên, theo thời gian, cơ thể dần tự điều chỉnh.
“Dù bệnh nhân được cắt dạ dày dạng nào cũng cần thay đổi chế độ ăn, không ăn đồ khó tiêu, ăn ít bữa và ăn nhiều thức ăn nhiều calci, sắt, vitamin C và D sau mổ cắt dạ dày”, bác sĩ Vĩnh chia sẻ.