Nỗi lòng câu ví phường vải
Nam Đàn quê Bác, là mảnh đất đặc trưng cho cho điệu ví phường vải xứ Nghệ. Điệu dân ca ra đời từ làng trồng dâu nuôi tằm, với nghề quay xa kéo sợi dệt vải của người nông dân. Trải qua bao năm tháng thăng trầm, khi dường cửi nơi đây đã lùi vào dĩ vãng, thì câu hát vẫn ngân vang trong tiềm thức của người già, trong lời ru, trong mạch nguồn văn hóa truyền thống nuôi dưỡng những đứa trẻ lớn lên.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam (làng Kim Liên, xã Kim Liên, Nam Đàn) năm nay đã 92 tuổi, vẫn đam mê tha thiết với những điệu giặm kể, giặm ru, giặm nối… Nhắc đến điệu ví phường vải, cụ vui vẻ ngồi cất tiếng hát: “Nhất vui là cảnh Kim Liên. Cảnh đà có cảnh, người tiên có người….”, rồi “ Sáng trăng ngồi gốc cây mai. Bóng mình lại tưởng bóng ai tìm mình. Ra về nước mắt trông chừng. Ngóng truông truông rậm, ngóng rừng rừng xa…” giọng cụ đã khàn và run nhưng vẫn cuốn hút lạ kì.
Những câu ví, giặm bao nhiêu năm qua dường như vẫn in đậm trong trí nhớ của cụ, cứ thế tự nhiên tuôn ra như hơi thở. Những đêm trăng ngày xưa, những mùa kéo sợi chợt trở về trong đôi mắt già nua trắng đục. “Người già hay nhớ chuyện ngày xưa…”, cụ cười khi tôi tỏ ra ngạc nhiên khi vào cái tuổi xưa này hiếm, mà cụ vẫn nhớ, vẫn hát được rành mạch như thế.
Những nghệ nhân ví phường vải bây giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Cụ Trần Văn Tư (73 tuổi) xóm Trù 1 Kim Liên, Nam Đàn, một trong những người có công lưu giữ và truyền dạy hát ví phường vải.
Cụ bảo: “Ngày xưa, 10 tuổi tôi đã theo các anh chị đi hát phường vải ở nhà bà Hoàng Thị An (dì của Bác Hồ). Trẻ con chỉ thấy háo hức, phấn khởi thôi. Lớn lên rồi mới biết, quay tơ dệt vải là thứ việc rất vất vả, nhàm chán. Chính những câu hát ví ấy, đã giúp ông bà, cha mẹ, giúp những người dân lao động quên đi nhọc nhằn để tiếp tục làm việc, sản xuất; là thứ nâng đỡ, làm phong phú cuộc sống tinh thần của thế hệ chúng tôi ngày ấy.
Điệu ví cất lên nghe man mác, bâng khuâng, xao xuyến, day dứt, ân tình thì điệu giặm thiên về tự sự giãi bày, nỗi niềm và có kết cấu hoàn chỉnh một trường đoạn”.
Say câu hát ví từ thời thơ ấu, đau lòng khi thấy câu ví một thời gian dài chìm vào quên lãng sau những loạn li, đói kém, chiến tranh, vậy nên dễ hiểu ông đã hồ hởi, phấn khởi đến thế nào khi hay tin hát ví dặm “ thức dậy”, kể từ khi có Đề án “làm sống lại tiếng hát phường vải Kim Liên” (Năm 1990- nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Người có công lớn trong đề án này, là ông giáo Nguyễn Hữu Cự (đã mất). Cùng với nhiều nghệ nhân khác, ông Cự đã đề xướng chương trình “Phục hồi ví phường vải” như một hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống sinh hoạt hội hè, một loại hình văn nghệ dân gian đặc thù của quê hương.
Sau đó, để bảo tồn hình thức nghệ thuật diễn xướng độc đáo này, chính quyền địa phương đã thành lập Trung tâm hát ví phường vải (còn gọi là câu lạc bộ hát ví phường vải) nhằm bảo tồn và phát huy phường vải - dân ca xứ Nghệ. Đồng thời, giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước về tham quan quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau khi được phục hồi, đội hát phường vải Kim Liên đã được tập hợp và đã biểu diễn nhiều tiết mục đặc sắc đón các đoàn công tác, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bà con nhân dân về thăm quê Bác. Câu lạc bộ ví phường vải Kim Liên được thành lập, có trẻ, có già, người già bày dạy cho lớp trẻ, với hơn 10 thành viên hoạt động dựa trên cơ sở tự nguyện, lòng nhiệt tình của mỗi hội viên.
Những nỗ lực của các hội viên trong câu lạc bộ đã vực dậy loại hình dân ca độc đáo này của xứ Nghệ. Nhiều người đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ( năm 2009 có 7 người được phong tặng nghệ nhân).
Cụ Hoàng Thị Tam đã hơn 90 tuổi vẫn nhớ nhiều câu hát dân ca |
Thương lắm câu hò
Hiện trong câu lạc bộ, chị Xoan là một trong những người trẻ nhất, năm nay cũng đã gần 50 tuổi. Chị tâm sự: Ví phường vải là niềm say mê của tôi, từ khi lấy chồng về đây, được mẹ chồng tôi dạy cho hát…”.
Hơn 20 năm, kể từ khi gắn bó với câu ví phường vải, chị có mặt ở nhiều hội diễn văn nghệ và cũng đã nhiều lần được nhận bằng khen. Để giờ đây, hễ có thời gian rỗi là chị lại rủ thêm một số người trong làng cùng nhau tập hát để luyện giọng và để nhớ. Đằng sau những làn điệu ví, dặm được ngân lên, da diết, sâu lắng như thể không có gì ngoài niềm đam mê và cả nỗi lo lắng chưa tìm được người tiếp bước.
Lãnh đạo xã Kim Liên cho biết: Việc duy trì mở rộng các câu lạc bộ phường vải gặp nhiều khó khăn, xã cũng chỉ có chính sách hỗ trợ trong các lần biểu diễn, còn việc sinh hoạt và phát triển vẫn phải chủ yếu dựa vào sự nhiệt tình, tâm huyết của các thành viên.
Khi không gian diễn xướng – hát, đối đáp trong lao động, sản xuất” mất đi, những cây đa, bến nước, sân đình hầu như không còn nữa, những nuối tiếc và mai một của “dân ca” trong “dân gian” là điều dễ hiểu.
Cuộc sống xã hội đã thay đổi. Thế hệ trẻ tiếp nhận nhiều giá trị văn hóa mới, nhiều người lo ngại về sự lơ là, lãng quên câu hát cha ông. Nhưng thước đo của văn hóa không nằm ở những biểu hiện bề nổi, mà ở chiều sâu trong tiềm thức mỗi người dân Kim Liên, Nam Đàn nói riêng, và người xứ Nghệ nói chung, chưa bao giờ đánh mất câu dân ca.
Nó thể hiện trong việc dân ca được đưa vào trường học, được sân khấu hóa, được sử dụng như là chất liệu sáng tác đặc biệt của các nhạc sĩ… Và mỗi dịp sinh hoạt cộng đồng, liên hoan dân ca, vẫn thu hút rất đông đảo người dân tham gia…
Về Nam Đàn quê Bác hôm nay, những bài hát về người, những câu hò theo chân du khách. Bất kỳ một người làm công tác thuyết minh nào ở khu di tích Kim Liên cũng có thể hát cho du khách nghe đôi câu ví, và dạy cho những đứa trẻ tập hát theo.
Bên cạnh khung cửi lặng im cũ mòn theo thời gian chỉ còn để “trưng bày”, nghề quay xa kéo sợi chỉ ở trong chuyện kể thuyết minh, thì âm hưởng, làn điệu câu ví vẫn còn. Nó như là nhịp đập, hơi thở, máu thịt của người dân lớn lên từ mảnh đất này.
Cứ trả dân ca về với cuộc sống đời thường, dân ca sẽ có cách để tiếp tục sống, tiếp tục đi cùng năm tháng, đi cùng những đổi thay của thời đại, và ở lại trong tâm hồn mỗi người.
Thật khó để nói cho hết được chiều dài, chiều rộng câu dân ca xứ Nghệ, mà Bác đã đi hết tuổi ấu thơ, đến suốt cả cuộc đời mà vẫn đau đáu nỗi nhớ khôn nguôi… Để hôm nay, bao nhiêu người con theo chân Người trở về quê xưa, sẽ còn nhắc, còn hát và còn thương.
Lễ hội Làng Sen năm nay diễn ra từ ngày 15-19/5 với nhiều hoạt động sôi nổi được tổ chức tại huyện Nam Đàn, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Ngoài các nghi lễ dâng hương, dâng hoa báo công và phần hội phong phú như: thi thể thao, người đẹp, triển lãm ảnh… thì liên hoan tiếng hát vẫn là cốt lõi của Lễ hội Làng Sen.