Ðặc biệt, khi dịch COVID-19 ập tới lần thứ 3, các doanh nghiệp vận tải đang “nín thở” chờ đợi diễn biến tiếp theo khi dịp “làm ăn chính” là cao điểm đi lại Tết Nguyên đán Tân Sửu chỉ còn tính theo ngày.
Chuyện buồn hắt hiu của ngành vận tải: Mỏi mòn đợi lương, ước mong có thưởng
Chia sẻ với PV Tiền Phong, lái tàu Lê Ngọc Long (Tổng Công ty đường sắt Việt Nam) cho biết, vài năm gần đây, thu nhập của anh em lái tàu và cả khối đường sắt đã sụt giảm do thị phần vận tải của ngành ngày càng thấp. Năm 2020, dịch COVID-19 càng kéo tụt thu nhập của người lao động đường sắt. “Thu nhập của anh em lái tàu tính theo giờ làm, nhưng bình quân giảm so với năm 2019. Nếu cùng ngày công, năm 2019, lái tàu nhận được khoảng 7-8 triệu đồng/tháng, thì sang năm 2020 giảm khoảng 1-2 triệu đồng/tháng. Dù giảm nhưng chúng tôi vẫn may mắn khi không bị nợ lương”, anh Long nói. Theo anh Long, vận tải hành khách giảm mạnh nhưng vận tải hàng hóa tăng nên bù được phần nào công việc và thu nhập cho anh em lái tàu. Bộ phận phục vụ hành khách không được may mắn như vậy.
Về thưởng Tết, anh Long chia sẻ, nhiều năm nay, đường sắt đã không còn khoản thưởng Tết nữa, mà chỉ là hỗ trợ thêm cho người lao động. “Nhiều năm trước, chúng tôi còn được thưởng Tết 15 triệu đồng, nhưng vài năm gần đây, anh em chỉ còn nhận phần hỗ trợ của công ty, mỗi năm 6-7 triệu đồng/người. Còn năm nay chưa thấy nói gì”, anh Long chia sẻ thêm.
Với tiếp viên đường sắt, ông Đào Việt Thắng, Trạm trưởng Trạm tiếp viên Đường sắt Hà Nội cho biết, năm vừa qua, tiếp viên đường sắt phải luân phiên nghỉ làm, làm 1 tháng và nghỉ 1 tháng không lương. “Do khó khăn, tháng đi làm tháng nghỉ, nên bình quân thu nhập cả năm của tiếp viên chỉ 6 triệu đồng/tháng, chưa trừ các khoản bảo hiểm, phí công đoàn. Dịp Tết, chúng tôi cố gắng cân đối và lấy quỹ khen thưởng, lương kế hoạch giữ lại để động viên anh em thêm tháng lương thứ 13. Cũng không gọi là thưởng vì kinh doanh đâu có lãi mà thưởng”, ông Thắng nói.
Ông Trần Thiện Cảnh, Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Đường sắt (VNR) cho biết, hiện mới có số liệu thưởng Tết của khối hạ tầng với tháng thu nhập thứ 13. Trong đó, bình quân người lao động các đơn vị duy tu, vận hành tuyến đường sắt Bắc - Nam khoảng 10 triệu đồng/người. Các tuyến đường sắt phía Bắc khoảng 8 triệu đồng/người. Theo ông Cảnh, khối hạ tầng vẫn có thưởng vì các đơn vị này thực hiện nhiệm vụ theo đặt hàng. Trong khi khối vận tải hoạt động theo thị trường, năm vừa qua thua lỗ, nên hiện chưa chốt được tiền Tết cho người lao động.
Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Mai Thành Phương cho biết, năm 2020, có gần 6.000 lao động phải nghỉ việc không hưởng lương trên/tháng, hoặc nhận mức lương thấp hơn lương tối thiểu vùng. Trong đó, riêng Cty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn, mỗi công ty có hơn 2.800 người phải nghỉ việc luân phiên. Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần 1, Công đoàn Đường sắt đã chi hỗ trợ người lao động Cty CP Vận tải đường sắt Hà Nội 1,1 tỷ đồng, chi hỗ trợ Cty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn trên 855 triệu đồng. Trong đợt dịch bùng phát lần 2, Công đoàn hỗ trợ thêm cho hơn 900 lao động bị ảnh hưởng 500 nghìn đồng/người. Dịp Tết, nguồn tài chính công đoàn đường sắt sẽ chi hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp thêm 1-2 triệu đồng/người (tùy đối tượng), tổng chi khoảng 500 triệu đồng.
Hàng không tăng lương, chưa thưởng
Với hàng không, Tết năm nay sẽ rất khác. Thay vì cảnh phi công, tiếp viên phải đón Tết ở xứ người khi phục vụ các chuyến bay quốc tế, sẽ là may mắn nếu còn được đón Tết trên các chặng bay nội địa với điều kiện đợt dịch lần thứ 3 này được kiểm soát.
Về thưởng Tết, tin từ Vietnam Airlines (VNA) cho hay, tới nay chưa chốt phương án. Năm 2020, VNA lỗ hợp hơn 14.400 tỷ đồng, công ty mẹ lỗ hơn 12.000 tỷ đồng. Với phi công và tiếp viên của hãng, để sắp xếp cho tất cả có việc làm, hoặc được bay đủ thời gian đã làm “đau đầu” lãnh đạo đơn vị, nói gì tới thưởng Tết. “Thế nào cũng có một khoản để động viên người lao động sau 1 năm nhiều cố gắng. Chúng tôi đang cân nhắc nhiều phương án. Cụ thể thế nào vẫn phải đợi. Khoản này chỉ gọi là hỗ trợ, chứ không phải thưởng Tết như các năm trước”, một lãnh đạo VNA cho hay. Theo vị này, đặc thù hàng không có nhiều lao động kỹ thuật cao (phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật), nên công ty cũng cần giữ chân người lao động. Hiện vẫn có 30% lao động của hãng tiếp tục bị tạm hoãn hợp đồng.
Để hỗ trợ và động viên người lao động, đặc biệt là dịp khai thác dịp cao điểm Tết Nguyên đán, Vietnam Airlines quyết định điều chỉnh lương trong quý I/2021. Theo đó, năm 2020, quỹ lương của hãng chỉ bằng 60% so với năm 2019. Riêng từ tháng 7 đến 12/2020, VNA chỉ trả lương chức danh và 20% tiền lương năng suất mức 1 (mức cơ bản). Do đó, trong quý I/2021, VNA áp dụng mức lương với cán bộ quản lý cấp ban bằng 120% so với lương áp dụng tháng 12 năm trước; cấp phòng bằng 130%; chuyên viên bằng 135-140% và nhân viên bằng 130%. Riêng với phi công và tiếp viên phục vụ các chuyến bay trong ngày nghỉ Tết Nguyên đán sẽ được trả lương bằng 300% so với ngày thường.
Công ty Cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (CenLand, mã CK: CRE) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 với doanh thu thuần đạt 805 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Hai lĩnh vực đem lại nguồn thu mạnh nhất cho công ty vẫn là môi giới và đầu tư bất động sản. Nếu hoạt động môi giới bất động sản giảm doanh thu gần 19% xuống 1.037 tỷ đồng thì mảng đầu tư bất động sản vẫn mang lại nguồn thu tăng nhẹ 4% lên thành 1.040 tỷ đồng.
Đại diện công ty cho biết, năm nay, với những nhân viên ký hợp đồng trên 1 năm vẫn duy trì mức thưởng 2 tháng lương. Ngoài ra, với đặc thù của công ty là môi giới nên nhiều cá nhân có hiệu suất kinh doanh bán hàng nhiều trong năm có khả năng nhận khoản thưởng khủng tương đương chiếc ô tô hoặc nhà như năm ngoái. Cụ thể, năm ngoái, doanh nghiệp này thưởng Tết cho 20 nhân viên xuất sắc bằng 20 chiếc ô tô, trong đó có những nhân viên có hiệu suất kinh doanh cao nhất là ô tô trị giá hơn 3 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Vũ Cao, Chủ tịch HĐQT Khang Land cho biết, mặc dù thị trường cũng có những khó khăn nhất định, nhưng do năm nay công ty có những dòng sản phẩm bán chạy nên cũng đã có kế hoạch treo thưởng Tết cao cho nhân viên. Cụ thể, ông Cao cho biết, nếu nhân viên nào bán được 1 căn có giá 12-50 tỷ đồng mà công ty đang phân phối sẽ được thưởng một ô tô Vinfast LUX SA. Nếu nhân viên nào bán được một căn shophouse có giá 5-15 tỷ đồng sẽ được thưởng ô tô Vinfast Fadil.
Với các bộ phận khác, ông Cao cho biết, công ty cũng sẽ có các mức thưởng khác nhau theo doanh thu. “Công ty trả tiền cho từng nhóm, bộ phận tự chia nhau, có người cũng sẽ vẫn nhận được tiền thưởng cả trăm triệu đồng”, ông Cao nhấn mạnh.