Thương nhớ xuân xưa

GD&TĐ - Đã hơn bốn mươi năm, kể từ ngày xa quê nhưng tôi vẫn không sao quên được những cái Tết của Cao nguyên nắng gió hay cái rét cắt da cắt thịt của Mộc Châu - vùng đất sương sa gió lạnh.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Tôi vốn được sinh ra từ một miền quê vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Mười một tuổi theo cha mẹ vào Tây Nguyên lập nghiệp, nhưng không lâu sau đó lại cùng gia đình ngược về Tây Bắc để sinh sống nên ngay từ những tháng năm đầu tuổi thơ tôi đã may mắn được trải nghiệm hương vị Tết của khá nhiều vùng miền Tổ quốc.

Đã hơn bốn mươi năm, kể từ ngày xa quê nhưng tôi vẫn không sao quên được những cái Tết của Cao nguyên nắng gió hay cái rét cắt da cắt thịt của Mộc Châu - vùng đất sương sa gió lạnh. Nhìn những khu vui chơi giải trí và những ngôi nhà cao tầng cùng những trang thiết bị hiện đại, nhiều bạn trẻ tuổi “teen” bây giờ hẳn sẽ không thể tưởng tượng được ngày trước lũ chúng tôi cùng ông bà, cha mẹ đã sống như thế nào!

Quanh năm đầu tắt mặt tối nên có thể nói Tết là dịp tốt nhất và gần như là duy nhất để mỗi gia đình tự làm mới chính mình. Dù bận đến đâu thì cứ vào dịp gần Tết chẳng riêng gì nhà tôi mà rất nhiều gia đình khác đều lo quét vôi lại cho ngôi nhà mà mình đang ở. Thay vì quét vôi, những nhà có điều kiện lại quét ve để những bức tường cũ mốc thêm sáng láng.

Sau công đoạn vôi ve mới là lúc dọn dẹp, lau chùi bàn ghế và trang trí nhà cửa. Dù còn nhỏ nhưng vốn là đứa khéo tay nên tôi luôn được phụ cùng bố ở lĩnh vực này. Nếu như lịch bloc, tranh ảnh khổ nhỏ là những thứ quá đỗi bình thường trong con mắt không ít các bạn trẻ bây giờ thì với những người dân của thập kỷ tám mươi khi ấy nó lại là những vật phẩm vô cùng quý giá.

Kể chuyện Tết xưa mà không nói đến việc gói bánh chưng hoặc chuẩn bị giò chả thì sẽ là một thiếu sót rất lớn. Cùng với giò chả, bánh chưng của thời ấy luôn được xem là những sản vật đặc biệt quý hiếm.

Phần vì cuộc sống bộn bề, phần vì điều kiện không cho phép nên chỉ khi Tết đến xuân về người ta mới dám nghĩ đến việc gói bánh chưng. Bởi lối sống tự cung tự cấp là chủ đạo nên từ việc mua lá bánh đến chuyện ngâm gạo, đãi đậu… mỗi gia đình đều phải tự làm lấy.

Không khí Tết được người ta cảm nhận một cách đầy đủ nhất ấy là khi cả nhà xúm xít ngồi gói bánh chưng. Gạo nếp, nhân đậu xanh, thịt lợn, lá bánh… bày khắp cả gian bếp của mỗi gia đình. Giò chả thì chỉ cần qua mùng 2, mùng 3 là hết nhưng với suy nghĩ “còn bánh chưng là còn Tết” nên ai cũng muốn gói nhiều nhiều một chút để Tết ở lại với mỗi nhà được lâu hơn.

Không chỉ có tranh ảnh mà điện thắp sáng trong những năm tám mươi của thế kỷ trước cũng là một cái gì đó xa vời. Đêm Ba mươi, trong cái giá lạnh của khoảnh khắc giao mùa, bên ánh đèn dầu le lói, cả nhà cùng chụm đầu vào chiếc radio chạy bằng pin mà bố tôi đã cố gắng mở to hơn ngày thường một chút để cùng chờ đón phút Giao thừa và lời chúc của Chủ tịch nước.

Khi phút Giao thừa vừa điểm thì cũng là lúc những tiếng nổ đì đùng vang lên ở khắp mọi ngõ xóm. Pháo đấy cả nhà ạ! Tiếng pháo cùng mùi thuốc pháo lan tỏa khắp mọi ngõ ngách khi ấy khiến cho mọi người cảm thấy Tết gần gũi hơn bao giờ hết.

Dù đã rất quen với tiếng pháo và mùi thuốc pháo, nhưng do những thiệt hại không thể cân, đo, đong, đếm, kể từ mùa xuân năm 1995, pháo nổ chính thức bị cấm sử dụng ở trên phạm vi toàn quốc. Trong những năm đầu cấm pháo, không ít những người dân cảm thấy hụt hẫng vì thiêu thiếu cái âm thanh đì đùng mỗi khi Tết đến xuân về.

Thực ra không phải đợi đến Tết người ta mới đốt pháo. Vì hệ thống loa đài không nhiều như bây giờ nên ngày ấy cứ nghe ở đâu có pháo nổ là mọi người đều biết ở đó có đám cưới hoặc tiệc tùng vui nhộn. Nghe tiếng pháo thì chẳng cần biết quen hay lạ, lũ trẻ con chúng tôi lại cắm đầu chạy đến để mong nhặt được mấy quả pháo xịt đem về để đốt và cùng nói cười hỉ hả.

Bước sang tuổi trưởng thành thì cũng là lúc pháo nổ bị cấm, nhưng tôi cũng không quá buồn vì điều đó. Mỗi khi xuân đến tôi tự tạo niềm vui cho mình và gia đình bằng cách bảo vợ con chuẩn bị ít gạo nếp, đậu, thịt… để gói bánh hoặc làm giò chả.

Dù bánh chưng bây giờ không còn được dùng là “thước đo” cho độ dài của Tết, nhưng mỗi khi gói bánh cả nhà tôi lại ngập tràn không khí của mùa xuân. Bao nhiêu năm đã trôi qua, song tôi vẫn nhớ lắm câu hát trong một sáng tác của nhạc sĩ Trần Chung: “Em ơi mùa xuân đến rồi đó, dang rộng vòng tay đón cuộc đời” thông qua chiếc loa phóng thanh treo ở đầu ngõ năm nào.

Từ lâu, mùa xuân luôn được xem là mùa đẹp nhất trong năm. Chỉ có điều xuân đến rồi xuân cũng sẽ phải đi bởi đó là quy luật, nhưng niềm vui có đến và ở lại cùng chúng ta hay không thì tùy thuộc vào suy nghĩ và hành động của mỗi người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

ChatGPT đang gây sốt trên toàn thế giới với khả năng giao tiếp tự nhiên và dữ liệu kiến thức khổng lồ.

Người lao động tận dụng ChatGPT

GD&TĐ - ChatGPT là nền tảng công nghệ dạng tổng hợp tri thức và được kiểm chứng - nếu biết sử dụng đúng cách có thể khai thác để phục vụ cho công việc, học tập.
Hoạt động trải nghiệm “Theo dấu chân người chiến sĩ Điện Biên” tại Tượng đài kéo pháo. Ảnh: NTCC

Hành trình theo 'địa chỉ đỏ'

GD&TĐ - Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Điện Biên có chất lượng dạy và học đứng đầu trong khối các trường THPT không chuyên của địa phương...
Bạn có thể tận hưởng sự gắn kết thể xác với bạn tình và có một mối quan hệ yêu đương, nhưng vì lý do nào đó, bạn trở nên ít hứng thú với tình dục. (Ảnh: ITN)

Khi nàng rối loạn ham muốn 'yêu'

GD&TĐ - Rối loạn ham muốn ở phụ nữ là một loại rối loạn chức năng tình dục khiến người trong cuộc có rất ít hoặc không có hứng thú với chuyện ấy.