Lễ nghĩa Xuân xưa và nay

GD&TĐ - Tết Nguyên đán ngày càng trở nên thiêng liêng và trở thành bản sắc văn hóa, dấu ấn tinh thần của mỗi người Việt Nam.

Lễ nghĩa Xuân xưa và nay
Chúc Tết ông bà
Chúc Tết ông bà 

Tết là giá trị được nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác và tạo thành truyền thống Tết gia đình thuần Việt.

Ngày Tết trở thành khoảng thời gian hiếm hoi để người ta có thể dành tình cảm cho nhau trọn vẹn và chân thành hơn, giữa đồng nghiệp, giữa người thân và bạn bè với nhau.

Lễ nghĩa ngày Tết đã có nhiều thay đổi hơn xưa nhưng dẫu sao ẩn sau đó vẫn là những giá trị tốt đẹp...

Biếu Tết là dịp chứng tỏ lòng tôn kính và biết ơn, như con đối với cha mẹ, trò nhớ ơn thầy, người làm công biết ơn ông chủ, bạn bè cũng biết ơn nhau về những điều tốt đẹp trong cách cư xử với nhau.

Trước Tết cả tháng, có nhiều gia đình đã phải họp bàn, lên danh sách năm nay phải đi tặng quà cho những ai. Quà Tết thì vô vàn nhưng điều quan trọng là chọn được một món quà mang một thông điệp để thắt chặt thêm quan hệ xã hội giữa người tặng và người nhận.

Nếu như ngày xưa, tặng quà Tết chú trọng tấm chân tình và thái độ thì ngày nay trước khi tặng quà, người tặng có lắm điều bâng khuâng. Không khéo việc tặng quà lại lại mang ý nghĩa ngược, dẫn đến sự hiểu lầm nào đó không đáng có.

Tặng quà ít giá trị thì sợ bị đánh giá là ít lòng thành và sơ sài, còn tặng giá trị quá thì sợ quy vào tội “hối lộ”...

Khi mức sống ngày càng cao, nhiều thói quen cũng thay đổi. Những chuyện tặng quà Tết để nhờ vả dần nhường chỗ cho những món quà Tết nặng về ý nghĩa tinh thần, ẩn chứa bên trong lời chúc nhiều ý nghĩa mà không cần nói thành lời.

Và có lẽ, việc đi Tết cho thầy cô vẫn nhẹ nhàng hơn nhiều so với các lễ nghĩa khác. Một câu đối, một liễn Tết đi kèm với lời chúc cũng đủ khiến “người đưa đò” cảm nhận ngày xuân do học trò mang đến. Nhưng cũng không hiếm thầy cô dằn dặt trước “Cấm quà cáp hay phong bì gì tất!”...

Dù cho ông bà ta có nói “mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy” thì không phải đợi đến “mồng” mới tính đến chuyến đi Tết ông bà, cha mẹ, thầy cô.

Từ trước Tết, mỗi giỏ quà với những ý nghĩa khác nhau cùng được đưa tới tận tay những bậc sinh thành, dưỡng dục và dạy dỗ ta nên người.

Nhưng ngày nay, giới trẻ lại có xu hướng gói nhẹ quà Tết với người thân bằng phong bì và thức ăn đóng hộp nhiều hơn theo công nghệ hiện đại: nhanh – gọn – nhẹ và thực chất nhất. Không ít sự buồn tủi của người lớn tuổi cũng xuất hiện vì những suy nghĩ thoáng của người trẻ.

Dẫu sao với người lớn tuổi họ vẫn trông chờ vào món quà tinh thần qua sự quan tâm và sự kính cẩn gửi quà... “Già cả rồi! Cầm lì xì của con cháu đâu có vui như con nít được”.

Vì vậy, người trẻ cần có sự tinh tế trong lễ nghĩa với người lớn tuổi, phải đồng cảm và thấu hiểu tâm tư suy nghĩ và mong đợi của người lớn để gửi quà phù hợp. Bởi sự qua loa hay chỉ làm tròn trách nhiệm sẽ có thể vô tình làm người thân chúng ta tổn thương hay tủi thân.

Lễ nghĩa là điều cần để giúp cá nhân duy trì được mối quan hệ và tình cảm, nhất là tình cảm trong gia đình, họ hàng và sợi dây liên kết giữa chồng lẫn vợ.

Có nhiều cặp vợ chồng đã mâu thuẫn vì việc đi lễ nghĩa bên nội và bên ngoại, sự chênh lệch hay không đồng đều, sự thiếu tế nhị hay nhanh gọn cũng làm phật lòng nhau... Con rể thì gửi tiền quà về cho ba mẹ vợ, con dâu thì mua đồ có sẵn bánh mứt để khói nấu nướng cho nhọc công...

Dù cho điều kiện của mỗi gia đình khác nhau, thì từ “hình thức” tới “nội dung” của món quà Tết đều thay cho những lời chúc đầy ý nghĩa, mong cho một năm mới nhiều tốt lành, đó chính là những giá trị làm nên chân dung ngày Tết.

Dù xưa hay nay, trong truyền thống hay trong dòng chảy cuộc sống hiện đại thì lễ nghĩa cũng là một điều không thể sơ sài, qua loa chỉ bằng hình thức mà thực sự rất cần nội dung. Trước đây, mọi người có thể chúc Tết nhau bằng cặp bánh, cân giò, với tấm lòng trân trọng mến thương.

Bây giờ người ta có thể tặng nhau những món quà có giá trị cao nhưng tình cảm trong đó hầu như không có mà xen vào đó là lợi ích cá nhân, lợi ích kinh tế. Người Việt chọn ngày Tết làm cơ hội để tạ ơn. Con cái tạ ơn cha mẹ, cha mẹ tạ ơn ông bà, tổ tiên, nhân viên tạ ơn cấp chỉ huy.

Ngược lại, lãnh đạo cũng cảm ơn nhân viên qua những buổi tiệc chiêu đãi hoặc quà thưởng để ăn Tết... Đó là ý nghĩa, là lễ nghĩa nhưng mong cuộc sống hiện đại không làm biến chất hay xói mòn hết những ý nghĩa cao đẹp của nó...

Lễ nghĩa – xưa hay nay nếu con người biết dựa trên nền tảng đích thực của giá trị thì chính nó không thể đổi thay hay bị “hô biến”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ăn uống ngoài vỉa hè rất phổ biến ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng.

Ghi ở vỉa hè Hà Nội

GD&TĐ - Tối nay, tại quán phở yêu thích ở phố Quang Trung, lần đầu tiên tôi được đến gần những thực khách đến mức gần như có thể cảm nhận được hơi thở của họ.
Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Chiếc đèn bàn

GD&TĐ - Lúc này, giấc mộng tan đi, ánh sáng và bóng tối của chiếc đèn bàn hội tụ. Quá khứ qua đi để lại nỗi đau dù là nhỏ nhất trong tâm hồn…