Phụ huynh đổi thói quen mua sắm mùa dịch
Đợt dịch thứ 4 bùng phát trên cả nước trong đó có Hà Nội, cuối tháng 7/2021, chính quyền Thủ đô ra quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khiến cho mọi hoạt động của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thời điểm chỉ còn hơn 1 tháng nữa là bước vào năm học mới nhưng trước diễn biến bất ngờ của dịch bệnh kiến nhiều phụ huynh không kịp xoay sở chuẩn bị sách giáo khoa kèm những dụng cụ phục vụ việc học tập của trẻ. Mặt khác, do không nằm trong danh mục những mặt hàng thiết yếu nên những nhà sách buộc phải đóng cửa. Trước tình thế này, nhiều bậc phụ huynh xem việc mua sắm, chuẩn bị cho năm học mới thông qua các sàn thương mại điện tử như một giải pháp cứu cánh.
Chị Nguyễn Hải Phương (xã Di Trạch, Hoài Đức, Hà Nội) nhớ lại: “Nhà tôi có 2 cháu cùng học bậc tiểu học. Thường như mọi năm, cứ gần vào năm học mới tôi sẽ dành ra một ngày để cùng các cháu đi mua sách cũng như giáo cụ học tập. Tuy nhiên, do dịch bệnh đến bất ngờ, thời gian giãn cách cũng kéo dài nên gần đến ngày các cháu vào năm học rồi nhưng các con vẫn chưa có sách cũng như đồ dùng học tập”.
Cực chẳng đã chị Phương phải lựa chọn phương án chuẩn bị sách và đồ dùng học tập cho các con theo hình thực trực tuyến thông qua các website của các nhà sách. Thói quen mua sắm bỗng dưng bị thay đổi vì dịch bệnh nên mới đầu chị Phương còn lúng túng và phải nhờ tới sự giúp đỡ của bạn bè. Tuy nhiên, sau khi đã thành thục, chị Phương thấy rằng việc mua sách cũng như đồ dùng học tập cho con bằng hình thức trực tuyến có nhiều tính ưu việt.
“Đầu tiên là mình tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Thường như trước kia, tôi phải mất cả ngày, thậm chí vài ngày mới mua được đủ sách cho con vì phải di chuyển từ nhà sách này sang nhà sách khác. Nhưng nếu mua trực tuyến, tôi có thể dễ dàng tham khảo nhiều nhà sách cùng lúc mà không phải mất thời gian đi lại.
Tiếp nữa là các website của nhà sách đều để số điện thoại để mình liên hệ khi cần hỗ trợ sẽ tiện hơn rất nhiều. Kế đến là tôi có thể chủ động được thời gian tìm kiếm sách, đồ dùng học tập cho các cháu thay vì phải nghỉ làm như trước”, chị Phương chia sẻ.
Trong khi đó, chị Vũ Thu Hà (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ đến thời điểm hiện tại, chính quyền Hà Nội đã nới lỏng giãn cách nhưng chị vẫn lựa chọn phương án mua sắm đồ dùng học tập cho con trai lớp 3 thông qua các sàn thương mại điện tử.
“Mình sẽ chủ động được thời gian. Các mặt hàng đều sẽ có trên sàn nên mình sẽ rất dễ dàng để lựa chọn. Đồ mua cũng sẽ được vận chuyển đến tận nhà, mình cũng được kiểm tra hàng hoá trước khi nhận nên rất yên tâm”, chị Hà cho hay.
Đẩy mạnh kinh doanh trên các nền tảng số
Thực chất, thương mại điện tử đã xuất hiện ở nước ta và thực sự phát triển mạnh mẽ ở nước ta trong vài năm trở lại đây. Việc các doanh nghiệp “tấn công” mạnh mẽ vào lĩnh vực thương mại điện tử cũng khiến thói quen mua sắm của nhiều người dân thay đổi rõ rệt.
Không nằm ngoài vòng quay đó, các nhà sách, doanh nghiệp cung ứng thiết bị giáo dục cũng khẩn trương lấn sân mạnh mẽ sang việc kinh doanh trên các nền tảng số trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Một đơn vị lớn của ngành là Nhà xuât bản Giáo dục Việt Nam đã xây dựng kênh phát hành trực tuyến Nhà Sách Số. Nhà Sách Số chuyên cung cấp các sản phẩm như: sách giáo khoa, sách tham khảo, sách bổ trợ, sách giáo viên…từ lớp 1 đến lớp 12, được thực hiện với phương châm: “Mua chính thống - đặt chủ động - nhận kịp thời”.
Ông Vũ Dũng, Quản lý nhà sách Dũng Hương trên đường Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, từ thời điểm các dịch vụ không thiết yếu trong đó có nhà sách phải đóng cửa do giãn cách xã hội, nhà sách do ông quản lý cũng phải đẩy mạnh đầu tư chăm chút website riêng của nhà sách, đẩy các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada…) để tìm kiếm khách hàng.
“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đẩy mạnh các hoạt động khuyến mãi, chính sách ưu đãi đối với những khách hàng mua sắm các sản phẩm của nhà sách trực tuyến như giảm giá, miễn phí cước vận chuyển kèm theo đó sẽ là những phần quà nhỏ đi kèm ứng với mỗi giá trị đơn hàng”, ông Dũng cho biết.
Đi kèm với việc bán sách giá khuyến mãi, đơn vị kinh doanh còn chú trọng xây dựng các dịch vụ chăm sóc khách hàng như giao hàng nhanh, tích lũy điểm thưởng tiếp tục khuyến mại trong những lần mua kế tiếp.
Qua tiến hành khảo sát trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, nhiều nhà sách cho biết việc phát triển kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử giúp lượng hàng hoá tiêu thụ khả quan hơn rất nhiều.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"