Trong thông điệp liên bang ngày 5/2 vừa qua, Tổng thống Trump nói rằng ông sẽ gặp Lãnh đạo Kim vào ngày 27 và 28/2 và sau đó nêu địa điểm Hà Nội sẽ là nơi diễn ra thượng đỉnh.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt nam nói rằng Việt Nam hoan nghênh thượng đỉnh và “ủng hộ mạnh mẽ” đàm phán về hòa bình, an ninh và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
“Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực và hợp tác với các bên có liên quan để đảm bảo” thành công của thượng đỉnh – phát ngôn viên trên cho biết trên Twitter.
Việt Nam có mối quan hệ nồng ấm với các bên liên quan
Mỹ và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ năm 1995 – hàng thập kỷ sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc. Trong một phần tư thế kỷ tiếp theo, mối quan hệ kinh tế và thương mại của họ đã phát triển mạnh mẽ hơn. Từ năm 1995 đến 2016, quan hệ thương mại song phương đã tăng từ 451 triệu USD lên gần 52 tỉ USD – theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thăm Việt Nam năm 2016 và Tổng thống Trump đã tham dự một thượng đỉnh quốc tế ở đây năm 2017. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam cũng đã tới thăm Nhà trắng vào năm 2017.
Hàn Quốc và Việt nam đã bình thường hóa quan hệ năm 1992 và họ đã xây dựng mối quan hệ khăng khít dựa trên kim ngạch thương mại lớn. Năm ngoái, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc – truyền thông Việt Nam và Hàn Quốc cho biết.
Trong khi đó, Triều Tiên và Việt Nam đã duy trì mối quan hệ từ năm 1950, hai nước có sự tương đồng về hệ thống chính trị và có nền kinh tế tập trung. Tuy nhiên, Việt Nam sau đó đã mở cửa thị trường.
Việt Nam có những yếu tố đặc biệt
Tổ chức một sự kiện ngoại giao nổi bật như thế này sẽ giúp Việt Nam có cơ hội thể hiện sự thành công về kinh tế và sự phù hợp về địa chính trị.
Ngoài mối quan hệ với hai nước Triều Tiên và Mỹ, Việt Nam còn tự hào là đối tác của Nga, Trung Quốc và các nước khác. Việt nam đã từng tổ chức các hội nghị quốc tế cấp cao, trong đó có Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Hà Nội hồi tháng 9 và Thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương ở Đà Nẵng năm 2017 với sự tham gia của các nhà lãnh đạo quốc tế, trong đó có Tổng thống Trump.
“Ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là đảm bảo hậu cần và an ninh cho thượng đỉnh thứ hai này diễn ra suôn sẻ” – ông Carlyle Thayer – một chuyên gia về chính chị Đông Nam Á – nói với hãng tin ABC News. Ông cho rằng nước chủ nhà sẽ gây nhiều chú ý.
Tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói với hãng tin Bloomberg rằng nếu được chọn là nơi tổ chức thượng đỉnh Trump – Kim, đất nước ông sẽ “làm hết sức để tạo điều kiện cho thượng đỉnh”.
Việt Nam cũng thường được ca ngợi là một câu chuyện thành công về kinh tế mà Triều Tiên có thể mô phỏng theo. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra ý kiến này hồi tháng 6 năm ngoái ở Hà Nội khi ông chỉ ra rằng mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ được phát triển từ thù địch sang đối tác.
Tại sao lại chọn Hà Nội?
Theo ông Thayer – giáo sư tại Đại Học New South Wales, Canbera (Australia) -Hà Nội trở thành ứng cử viên sáng giá để tổ chức thượng đỉnh vì khả năng tiếp cận, các khách sạn 5 sao và lịch sử tổ chức các thượng đỉnh của thành phố này.
Hà Nội cũng đủ gần Triều Tiên để lãnh đạo Kim có thể dùng máy bay bay thẳng tới đây – ông Thayer nói.
Theo ông Thayer, việc tổ chức thượng đỉnh ở Hà Nội cũng đưa ra những câu hỏi về nghi thức ngoại giao, hoặc ít nhất cũng nâng tầm cho chuyến thăm của Lãnh đạo Kim Jong – un – người được cho là sẽ gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Giống như Singapore, Hà Nội có một đại sứ quán Triều Tiên mà ông Thayer cho rằng có thể hỗ trợ hậu cần và hành chính cho ông Kim.