Thuốc Remdesivir có tác dụng điều trị Covid-19 thế nào?

GD&TĐ - Những lô thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 đầu tiên đã cập cảng hàng không Tân Sơn Nhất vào ngày 5/8. Ngày 8/8, thuốc Remdesivir bắt đầu dùng cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh.

Bệnh nhân Covid-19 nặng sẽ có thêm cơ hội được điều trị khi thuốc Remdesivir được đưa vào sử dụng. Ảnh: Minh Khang.
Bệnh nhân Covid-19 nặng sẽ có thêm cơ hội được điều trị khi thuốc Remdesivir được đưa vào sử dụng. Ảnh: Minh Khang.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thuốc Remdisivir là một loại thuốc kháng vi-rút SARS-CoV-2 vừa được FDA (Mỹ) cho phép sử dụng trong điều trị Covid-19.

Thuốc Remdesivir được sản xuất và đóng chai tại một địa điểm sản xuất thuốc của Gilead Science Inc. ở Mỹ

Ngày 1/5/2020, FDA (Mỹ) cho phép sử dụng Remdisivir trong điều trị những trường hợp nhiễm Covid-19 nặng (ca xác định hoặc nghi ngờ) ở người lớn và trẻ em, thuốc chỉ được sử dụng trong điều trị nội trú.

Trước đó, Remdesivir đã được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng đối với bệnh nhiễm vi-rút Ebola nhưng cho hiệu quả lâm sàng còn hạn chế, và tiếp tục được nghiên cứu trong các mô hình động vật đối với SARS-CoV và MERS-CoV.

Lô thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 đầu tiên đã về Việt Nam hôm 5/8. Ảnh: Lan Lan.

Lô thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 đầu tiên đã về Việt Nam hôm 5/8. Ảnh: Lan Lan.

Remdesivir là thuốc kháng vi-rút phổ rộng, là một tiền chất tương tự nucleotide, được sản xuất bởi Gilead Science Inc., sử dụng dưới dạng truyền tĩnh mạch, thời gian sử dụng thuốc cho một đợt điều trị là 10 ngày.

Remdisivir được đánh giá dựa trên một phân tích dữ liệu từ một công trình nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát với 1063 bệnh nhân, bắt đầu vào ngày 21/2.

Nghiên cứu này còn được gọi là Thử nghiệm điều trị Covid-19 thích nghi (Adaptive Covid-19 Treatment Trial - ACTT) được tài trợ bởi Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) – Mỹ. Đây là thử nghiệm lâm sàng đầu tiên tại Mỹ nhằm đánh giá một phương pháp điều trị thử nghiệm cho Covid -19.

Người đầu tiên tham gia thử nghiệm này là một người Mỹ vừa được trở về nước sau khi bị cách ly trên tàu du lịch Diamond Princess cập cảng ở Yokohama, Nhật Bản và đã tình nguyện tham gia nghiên cứu tại địa điểm nghiên cứu đầu tiên - Trung tâm Y tế Đại học Nebraska/Nebraska Medicine vào tháng 2/2020.

Tổng cộng có 68 địa điểm cuối cùng đã tham gia vào nghiên cứu của 47 tại Mỹ và 21 tại các quốc gia ở Châu Âu và Châu Á.

Ngày 8/8, thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 bắt đầu dùng cho bệnh nhân tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: SKĐS.

Ngày 8/8, thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 bắt đầu dùng cho bệnh nhân tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: SKĐS.

Ban giám sát an toàn và dữ liệu độc lập (Data and Safety Monitoring Board - DSMB) đã họp vào ngày 27/4 để xem xét dữ liệu và chia sẻ phân tích tạm thời của họ với nhóm nghiên cứu.

Dựa trên đánh giá dữ liệu, họ lưu ý rằng Remdesivir tốt hơn giả dược về thời gian phục hồi, một dữ liệu đánh giá thường được sử dụng trong các thử nghiệm cúm.

Tình trạng phục hồi trong nghiên cứu này được thiết kế phù hợp, khi đó bệnh nhân có thể xuất viện hoặc trở lại mức hoạt động bình thường.

Kết quả sơ bộ của công trình nghiên cứu chỉ ra rằng những bệnh nhân sử dụng Remdesivir có thời gian phục hồi nhanh hơn 31% so với những người dùng giả dược (p <0,001).

Cụ thể, thời gian trung bình để phục hồi là 11 ngày đối với bệnh nhân được điều trị bằng Remdesivir so với 15 ngày đối với những người dùng giả dược. Kết quả cũng cho thấy tỷ lệ tử vong là 8,0% đối với nhóm nhận Remdesivir so với 11,6% đối với nhóm giả dược (p = 0,059).

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã có các cuộc thảo luận với Gilead Science Inc. về việc cung cấp Remdesivir cho bệnh nhân nhanh nhất có thể.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, thời gian qua, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế đã phát huy hiệu quả trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19. Việt Nam cũng luôn cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị về Covid-19 trên thế giới.

Trong các thuốc được cập nhật, các thành viên Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã thảo luận, thống nhất về việc sử dụng Remdesivir, được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân Covid-19 nặng, có SpO2 (chỉ số oxy trong máu) từ 94% trở xuống, bệnh nhân thở máy, điều trị ECMO (tim, phổi nhân tạo), bệnh nhân cần oxy.

Việt Nam cũng đã sử dụng thuốc Remdesivir để điều trị cho một số bệnh nhân Covid-19 tại một số cơ sở y tế. Kết quả bước đầu cho thấy thuốc Redemsivir giúp bệnh nhân giảm lượng virus nhanh nên Hội đồng quyết định đưa thêm Remdesivir và một số loại thuốc vào điều trị Covid-19.

Theo các chuyên gia, hiệu quả của các thuốc, đặc biệt là thuốc mới sẽ thường có các bàn luận, tranh cãi nhưng với bệnh nhân Covid-19 nặng, thuốc Remdesivir chính là thêm cơ hội được điều trị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.