Thực trạng đào tạo ngành tâm lý lâm sàng

GD&TĐ - Cả nước có gần 30 trường công lập, tư thục, tư thục có yếu tố nước ngoài và mô hình trường từ lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau đào tạo ngành Tâm lý học.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Thực trạng đào tạo ngành tâm lý lâm sàng trên thế giới và tại Việt Nam được PGS.TS Trần Văn Công, Phó Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo Khoa học quốc tế với chủ đề: “Tâm lý học lâm sàng và Tâm lý trị liệu: Cơ hội và thách thức” do Hội tâm lý trị liệu Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Đại học Y Charite thuộc CHLB Đức tổ chức.

Không nhiều chương trình đào tạo cử nhân tâm lý lâm sàng

Theo PGS.TS Trần Văn Công, một khảo sát cho thấy ở nhiều quốc gia tại châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ, Trung Đông, chương trình đào tạo cử nhân ngành tâm lý lâm sàng là không nhiều.

Các chương trình cử nhân đa phần đào tạo ngành Tâm lý chung. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ theo học các chuyên ngành tâm lý sâu hơn ở bậc thạc sĩ, trong đó có tâm lý lâm sàng.

Ở Anh và Mỹ, một số trường đại học có đào tạo cử nhân định hướng chuyên ngành tâm lý lâm sàng (4 năm ở Mỹ và khoảng 3 năm ở Anh cho đào tạo toàn thời gian), đồng thời cung cấp các chương trình sau đại học về tâm lý học lâm sàng.

Hầu hết các chương trình cử nhân tâm lý lâm sàng được đào tạo trực tiếp tại cơ sở giáo dục, dưới hai hình thức là toàn thời gian và bán thời gian.

PGS.TS. Trần Văn Công.

PGS.TS. Trần Văn Công.

Việt Nam có gần 30 trường đào tạo ngành Tâm lý học

Tại Việt Nam, PGS.TS Trần Văn Công cho biết hiện trên cả nước có 35 nhóm ngành tuyển sinh ngành Tâm lý học (chưa bao gồm 2 nhóm ngành Tâm lý học giáo dục và Tâm lý học trường học của các Trường: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học RMIT và Đại học Fulbright Việt Nam), trong đó 2 hướng ngành chủ yếu là Tâm lý học và Tâm lý học Giáo dục.

Nhìn chung, hiện có khoảng gần 30 trường đào tạo ngành Tâm lý học (các ngành Tâm lý học, Tâm lý học Giáo dục và Tâm lý học Trường học), dưới hình thức các trường công lập, tư thục, tư thục có yếu tố nước ngoài và các mô hình trường từ các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau.

Chương trình đào tạo ở bậc cử nhân được thiết kế trong vòng 4 năm (8 học kỳ), riêng với Trường Đại học RMIT đào tạo trong 3 năm (9 học kì), đào tạo tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo theo phương thức tín chỉ.

Chương trình bậc cử nhân chủ yếu bao gồm các khối kiến thức chung, khối kiến thức chung của nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn, khối kiến thức chuyên ngành (bắt buộc và tự chọn) và khóa luận tốt nghiệp/học phần thay thế.

Cũng theo PGS.TS Trần Văn Công, hiện có khá nhiều trường đào tạo theo hướng ngành Tham vấn và Trị liệu tâm lý; trong đó khối kiến thức chuyên ngành đi sâu vào các mảng như Tâm lý học lâm sàng, Tâm lý học tham vấn, Tâm bệnh học, Tâm lý học phát triển, Tâm lý học gia đình, Tâm lý học khác biệt,… nhằm đáp ứng nhu cầu về công tác tham vấn, trị liệu tâm lý trong xã hội.

Ở một số trường, khối kiến thức chuyên ngành gắn với yêu cầu thuộc lĩnh vực đặc thù nhóm ngành nghề và đối tượng lao động như các nhóm yếu thế, các đối tượng người lao động trong xã hội (Trường Đại học Lao động - Xã hội), đối tượng trẻ em gái, phụ nữ (Học viện Phụ nữ), đối tượng thanh thiếu niên (Học viện Thanh thiếu niên) hay nhóm đối tượng thuộc các khối trường đào tạo giáo viên (Trường Đại học Sư phạm).

Nhiều trường có định hướng đào tạo theo hướng “liên ngành”, gồm kinh tế học, xã hội học, văn hóa học,…

Ở một số trường có yếu tố nước ngoài, các học kỳ và học phần được gắn với lĩnh vực khoa học cơ bản của ngành học là Tâm lý học, cùng với sự đa dạng văn hóa của nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.