Ngày 20/6, Trường Đại học (ĐH) Luật, ĐH Huế phối hợp với Trường ĐH Luật, ĐH quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Nguyên tắc pháp quyền trong tình trạng khẩn cấp ở Việt Nam: Nhận thức và thực trạng”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Duy Phương – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật, ĐH Huế cho biết, với giá trị cốt lõi và văn hóa (tư duy - sáng tạo - trách nhiệm), Trường ĐH Luật, ĐH Huế đã và đang thực hiện hoạt động đào tạo từ đại học đến tiến sỹ; thực hiện công bố các công trình nghiên cứu khoa học, hợp tác nghiên cứu với các trường đại học, viện nghiên cứu, trong đó hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học là lĩnh vực được chú trọng.
PGS.TS Nguyễn Duy Phương – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật, ĐH Huế phát biểu khai mạc hội thảo. |
“Tôi trân trọng cảm ơn lãnh đạo các cơ quan ban ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt là các nhà khoa học đã gửi bài và tham gia hội thảo; cảm ơn đoàn Trường ĐH Luật, ĐH quốc gia Hà Nội cùng các nhà khoa học dành thời gian quan tâm đến hội thảo này.
Chúc cho sự hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa Trường ĐH Luật, ĐH Huế và Trường ĐH Luật, ĐH quốc gia Hà Nội sẽ được tiếp tục và duy trì và phát triển trong thời gian tới”, PGS.TS Nguyễn Duy Phương chia sẻ.
Nguyên tắc pháp quyền trong tình trạng khẩn cấp là một chủ đề nghiên cứu quan trọng trong khoa học pháp lý trên thế giới. Tuy nhiên, chủ đề này vẫn là một chủ đề có nhiều ý kiến, cách tiếp cận khác nhau.
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh - Trường Đại học Luật, ĐH quốc gia Hà Nội phát biểu tại hội thảo. |
Ở Việt Nam, các vấn đề nhà nước pháp quyền và tình trạng khẩn cấp là các vấn đề không mới, song đặt pháp quyền trong tình trạng khẩn cấp lại là một vấn đề còn nhiều khoảng trống trong nhận thức và thực tiễn pháp luật.
Trong quá trình phát triển của đất nước, nguyên tắc pháp quyền là công cụ để bảo đảm các giá trị cốt lõi như thượng tôn pháp luật và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên còn nhiều thách thức đặt ra cho việc thực thi nguyên tắc pháp quyền trong thực tiễn, nhất là trong bối cảnh xã hội luôn phát triển, đôi lúc phải chịu những rủi ro đến từ bên ngoài như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh…
PGS.TS. Đặng Minh Tuấn - Trường ĐH Luật, ĐH quốc gia Hà Nội trình bày tham luận: "Pháp quyền trong tình trạng khẩn cấp: Khung lý luận và các thách thức đặt ra". |
Qua quá trình triển khai, ban tổ chức đã nhận được hơn 40 bài viết của các nhà khoa học có uy tín đến từ nhiều các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu luật ở trong nước nghiên cứu về lĩnh vực trên.
Tại hội thảo, các đại biểu, khách mời được lắng nghe những tham luận, ý kiến trao đổi về các vấn đề liên quan đến pháp quyền trong tình trạng khẩn cấp ở Việt Nam như: “Pháp quyền trong tình trạng khẩn cấp: Khung lý luận và cách thức đặt ra”; “Giới hạn quyền lực nhà nước trong trường hợp khẩn cấp trong khuôn khổ nhà nước pháp quyền: Tiếp cận tại Việt Nam”; “Vai trò của Tòa án trong bảo vệ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp ở Việt Nam”,...
TS Lê Thị Nga - Trường ĐH Luật, ĐH Huế trình bày tại hội thảo tham luận: "Giới hạn quyền lực nhà nước trong trường hợp khẩn cấp trong khuôn khổ nhà nước pháp quyền: Tiếp cận tại Việt Nam". |
Thông qua hội thảo, sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu, sinh viên có thể hiểu thêm được nguyên tắc pháp quyền trong tình trạng khẩn cấp để phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập; đồng thời hướng đến các giá trị thực tiễn nhằm đóng góp công cuộc xây dựng pháp luật về tình trạng khẩn cấp ở Việt Nam hiện nay.
GS.TS Võ Khánh Vinh - nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ ý kiến tại hội thảo về vấn đề pháp quyền trong tình trạng khẩn cấp ở Việt Nam. |