Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị |
KỲ 1
(GD&TĐ) – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ với các cán bộ quản lý trường ĐH, CĐ: Đề án đổi mới căn bản và toàn diện GD - ĐT và Nghị quyết T.Ư 8, khóa XI, khi đánh giá thực trạng GD - ĐT đưa ra 6 thành tựu - khẳng định rõ những ghi nhận, nhưng nêu lên 10 hạn chế, yếu kém - thể hiện thái độ thực sự cầu thị khi nói sâu về những khuyết điểm yếu kém của ngành GD.
Tại Hội nghị Quán triệt Nghị quyết T.Ư 8 khóa XI và Tổng kết năm học 2012 – 2013 các trường ĐH ,CĐ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã có bài phát biểu sâu sắc, với những ví dụ thực tiễn sinh động truyền đạt tới Hội nghị những tư tưởng, tinh thần, định hướng căn cốt của Nghị quyết T.Ư 8 khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện GD - ĐT.
Báo Giáo dục & Thời đại trân trọng giới thiệu tới bạn đọc. Đầu đề và các tiêu đề nhỏ do Báo đặt lại.
Trân trọng sự phát triển số lượng - quy mô đã có
Nghị quyết T.Ư 8 khóa XI đã nêu lên 6 thành tựu của GD – ĐT. Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đề cập sâu đến 2 thành tựu của ngành Giáo dục.
Bộ trưởng cho biết: Thành tựu thứ nhất là quy mô học sinh - sinh viên, quy mô của GD - ĐT có sự tăng khá. Khẳng định đây là thành tựu, vì tuy số lượng SV/tỷ lệ dân số, số lượng cán bộ khoa học kỹ thuật làm việc trong các doanh nghiệp, cơ quan còn thấp, so với yêu cầu CNH – HĐH, hội nhập quốc tế, số lượng như vậy còn yếu nhiều, nhưng để có được quy mô, số lượng như vậy là một cố gắng lớn của Ngành.
Ta đang từ bước phát triển thấp, biến từ không thành có, từ số lượng rất ít tăng lên nhiều hơn, phải có sự tích tụ về số lượng, tích tụ đến một độ nào đó đủ lớn mới chuyển biến thành chất lượng. Vậy nên ta trân trọng sự phát triển về số lượng, quy mô đã có.
Nên trong Đề án nêu rõ: Trên cơ sở thành quả phát triển về số lượng quy mô của ngành GD - ĐT trong thời kỳ đổi mới đã cho phép và đòi hỏi chúng ta chuyển đổi sang mô hình phát triển chất lượng. Nếu không có sự phát triển về số lượng, chưa thể nói tăng trưởng quy mô – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.
Học sinh Bùi Quang Tú và Ngô Phi Long - HCV Olympic Vật lý châu Á năm 2013 |
Kết quả PISA như chụp ảnh chân dung!
“Chúng ta ý thức PISA dù có đáng tin cậy đến đâu thì cũng giống như ta chụp ảnh chân dung, đó chỉ là bức ảnh thôi, không phải toàn bộ con người thực đang sống và làm việc. Nhưng tấm ảnh chân dung đó có giá trị về mặt thông tin để ta tính toán, cân nhắc”. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận |
Thành tựu thứ hai được Bộ trưởng đề cập là chất lượng GD - ĐT so với bản thân, ở giai đoạn trước có sự cải thiện rõ rệt. Khả năng ngoại ngữ, tin học, ứng xử, thu thập thông tin bằng các nguồn thông tin khác nhau của HS tốt hơn thế hệ trước.
Kết quả của thi HSG quốc tế, thi tay nghề quốc tế đạt nhiều giải vàng, bội thu, 100% đoàn và học sinh đi thi đều đoạt giải thứ hạng cao. Gần đây nhất là kết quả PISA, Việt Nam đứng thứ hạng rất cao, nếu so với trình độ phát triển kinh tế có một sự bứt phá.
Bộ trưởng chia sẻ: Các chuyên gia GD đều nói có sự liên quan tương ứng giữa trình độ phát triển GD và trình độ phát triển kinh tế.
Nếu trình độ phát triển kinh tế thấp thì không thể có trình độ giáo dục phát triển cao. Khi công bố kết quả PISA, đã có nhiều hoài nghi. Và việc xác minh thanh tra từ PISA đã được kiểm tra trong 3 tháng và công nhận kết quả của Việt Nam.
Lý do Việt Nam tham gia PISA đã được Bộ trưởng nêu rõ: Việt Nam đăng ký thi, quyết định tham gia đánh giá PISA, mục tiêu không phải là thi thố thứ hạng. Ta quyết định tham gia vì đây là cách đánh giá chất lượng GD không căn cứ vào điểm số của HS, tỷ lệ tốt nghiệp, đỗ ĐH, mà là một sự đánh giá hoàn toàn độc lập với sự đánh giá của thầy cô.
Cùng đó, ngành Giáo dục tham gia PISA trên tinh thần học hỏi để có cách đánh giá của từng địa phương, của bậc phổ thông, đánh giá cả quốc gia một cách độc lập, thoát khỏi ám ảnh về điểm số mà thầy cô và học sinh phải chịu lâu nay. Tham gia để có thông tin chính xác, làm căn cứ để Bộ GD&ĐT có những đề xuất lên Trung ương, Quốc hội.
“Chúng ta ý thức PISA dù có đáng tin cậy đến đâu thì cũng giống như ta chụp ảnh chân dung, đó chỉ là bức ảnh thôi, không phải toàn bộ con người thực đang sống và làm việc. Nhưng tấm ảnh chân dung đó có giá trị về mặt thông tin để ta tính toán, cân nhắc” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Được biết, để tham gia PISA, Bộ GD&ĐT đã lập danh sách tất cả nhà trường, học sinh trong độ tuổi 15, sau đó ban tổ chức chọn mẫu, chỉ định HS làm bài, đưa bài với xác suất trong 300.000 đề thi có 1 đề trùng nhau. Các HS sau khi nộp bài lập tức chuyển về văn phòng PISA ở châu Âu, giao 5 GV độc lập cùng chấm, đồng thời 5 kết quả được chuyển về trung tâm.
Những bất cập trong ngôi nhà cao tầng GD
Thái độ của chúng ta là dũng cảm, nhìn thẳng, mổ xẻ cho hết, nhìn cả vĩ mô, vi mô, nhìn cả ngành GD và những ngành khác trong việc triển khai hoạt động GD - ĐT - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận định.
Bộ trưởng đã phân tích một số hạn chế, yếu kém của GD - ĐT. Đó là chất lượng GD - ĐT tuy có tiến bộ so với bản thân ở giai đoạn trước, nhưng so với yêu cầu của sự nghiệp CNH - HĐH, so với mong muốn của thầy và trò, mong muốn của cha mẹ, cha mẹ học sinh, của xã hội, của Đảng và Nhà nước thì chưa đáp ứng, chưa có khả năng biến nguồn lực nhân công thành thế mạnh thực sự trong quá trình cạnh tranh và phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó hệ thống GD của hiện thiếu liên thông cả về phương thức đào tạo và trình độ đào tạo. Bộ trưởng lấy ví dụ: Nhiều chuyên gia có nói ngôi nhà GD gồm nhiều tầng, theo lẽ thường, từ tầng 2 sẽ đi thẳng lên tầng 3 hay tầng 4, tầng 5, nhưng trong thực tế, ngôi nhà GD lại được thiết kế muốn từ tầng 3 lên tầng 5 thì lại phải quay xuống tầng 2, tầng 1… Nhìn trong thực tế, ngay các trường ĐH cũng chưa liên thông được, chưa có sự công nhận phổ biến, dễ dàng cho SV.
Ngoài ra, GD còn nặng về lý thuyết, hàn lâm, không gắn với thực tiễn, không gắn với NCKH và chuyển giao công nghệ ở cả phổ thông và ĐH. Vì nặng về lý thuyết nên dẫn đến quá tải, dạy thêm - học thêm tràn lan… khiến xã hội bức xúc.
Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, ngành Giáo dục chưa chú ý đến GD để HS hình thành kỹ năng mềm, năng lực làm việc tập thể. Lớp học có 40 - 50 học sinh nhưng vẫn là từng người học với thầy, là quá trình cá nhân tự nhận thức. Nên dù có nhiều cá nhân giỏi, tốt, nhưng không có được những tập thể lao động sáng tạo, không có tập thể các nhà khoa học giải quyết những bài toán lớn, nhiệm vụ khoa học lớn.
Vấn đề GD đạo đức được được ngành Giáo dục chú trọng, nhưng quan điểm,lập trường, tư tưởng, phương châm chỉ đạo, cụ thể trong quá trình GD - ĐT chưa hiệu quả. Chủ yếu vẫn là thuyết lý cho học sinh nghe hiểu mà chưa chú ý thực hành.
Thẳng thắn nhìn nhận, Bộ trưởng phát biểu: Đội ngũ GV, CBQL còn bất cập. Ta có thống kê bao nhiêu trình độ ĐH, thạc sỹ, tiến sỹ… nhưng không phải trình độ nào cũng giống nhau, dù đạt chuẩn nghề nghiệp chuyên môn nhưng trên thực tế có một số người trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức… chưa đạt. Ngành Giáo dục sẽ giải quyết vấn đề này trong thời gian sắp tới.
***
Bộ trưởng phân tích: Trong Nghị quyết T.Ư 8, khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện GD - ĐT, phần nói về thành tựu đã gộp nội dung thành tựu và phân tích nguyên nhân; còn phần nêu lên hạn chế yếu kém thì tách thành hai nội dung:
Hạn chế yếu kém và nguyên nhân, sau đó tập trung phân tích, lý giải cho được vì sao một số hạn chế yếu kém nhìn thấy rõ, được nêu trong Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, các bộ ngành địa phương nhưng qua nhiều năm chưa giải quyết được, thậm chí một số yếu kém không những không giải quyết được mà còn trầm trọng hơn, gây bức xúc trong xã hội, trong đó có bức xúc của chính ngành Giáo dục.
Tổng kết lại những đánh giá ngành Giáo dục, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng: Đề án đổi mới căn bản và toàn diện GD - ĐT và Nghị quyết T.Ư 8, khóa XI, khi đánh giá thực trạng GD - ĐT đưa ra 6 thành tựu – khẳng định rõ những ghi nhận, nhưng nêu lên 10 hạn chế, yếu kém - thể hiện thái độ thực sự cầu thị khi nói sâu về những khuyết điểm yếu kém của ngành GD.
Trong khi xây dựng Đề án, có hai luồng lo lắng: Thứ nhất, lo sự cực đoan, phê phán sạch trơn thành quả GD Cách mạng với bao công sức của nhân dân, đầu tư của Nhà nước; Thứ hai, lo sự bảo thủ trì trệ, không thấy khuyết điểm, yếu kém mà cứ xưng tụng những thành tựu, kết quả, không đổi mới. Cả hai cách đó đều không đưa ra giải pháp tốt, không thể đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận |
Xem tiếp kỳ 2: Ý thức sâu sắc Giáo dục là Văn hóa
Gia Hân