Đơn thuốc bao gồm: cinnarizin, amkazym, stoguard và cyprtin. Vậy thực chất các thuốc này là gì, chúng có thực hiện được sứ mệnh trên không?
Tác dụng của thuốc
Về 4 loại thuốc có trong đơn thuốc trên, PGS.TS.DS. Nguyễn Hữu Đức, Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cho biết: Cinnarizin là thuốc kháng histamin ở thụ thể H1 và là chất đối kháng canxi bằng cách chẹn các kênh canxi làm giãn cơ trơn mạch máu.
Cho nên, cinnarizin được dùng điều trị rối loạn tiền đình (do giãn mạch cải thiện tuần hoàn tại đây), điều trị duy trì các triệu chứng rối loạn mê đạo bao gồm chóng mặt, hoa mắt, choáng váng, ù tai, gây buồn nôn và nôn. Cinnarizin còn dùng phòng ngừa nôn do say tàu xe và phòng ngừa chứng đau nửa đầu.
Amkazym là tên của một chế phẩm xem như thuốc bổ chứa nhiều vitamin và chất khoáng.
Chế phẩm này được quảng cáo giúp trị chứng chán ăn, chậm tiêu khi giảm chức năng gan mà chưa có bằng chứng nào chứng thực có tác dụng tăng cân.
Stoguard là tên biệt dược của sulpirid là thuốc hướng tâm thần. Thuốc này được dùng trị các rối loạn tâm thần từ nhẹ như điều trị ngắn hạn các triệu chứng lo âu ở người lớn khi không đáp ứng với các điều trị chuẩn, trị trạng thái thần kinh ức chế đến tình trạng rối loạn hành vi nặng gọi là loạn thần hay bệnh tâm thần phân liệt...
Cuối cùng, cyrptin là tên biệt dược của cyproheptadin là thuốc kháng histamin ở thụ thể H1 được dùng trong điều trị dị ứng cấp và mạn trong các trường hợp viêm da, chàm, vết đốt côn trùng, cảm, viêm mũi theo mùa... nhưng không được dùng trong những trường hợp như loét dạ dày tá tràng, glaucoma góc đóng...
Đây là thuốc kháng histamin trị dị ứng nhưng lại có tác dụng kích thích sự thèm ăn.
Cảnh giác với những lời quảng cáo về các thuốc có tác dụng tăng cân. |
Và sự nguy hại
Như vậy, trong 4 thuốc trong đơn thuốc “tăng cân thần tốc” PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh, chỉ có hai thuốc có liên quan đến làm kích thích sự thèm ăn và cung cấp vitamin và chất khoáng, hai thuốc còn lại chẳng có liên hệ gì đến việc tăng cân mà phải dùng với sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ để chữa bệnh nặng và nhất là chúng có thể gây tác dụng phụ có hại rất nặng nề (như stoguard có thể gây “hội chứng ác tính của thuốc chống loạn thần” rất nguy hiểm).
Ngoài ra, với 4 thuốc trên khi sử dụng đúng mục đích thì người dùng vẫn có thể gặp các bất lợi của thuốc gây nên. Ví dụ, cinarizin có thể gây rối loạn tiêu hóa, đau vùng thượng vị, ngủ gà, nhức đầu, khô miệng, phản ứng dị ứng và hội chứng ngoại tháp ở người cao tuổi hoặc khi điều trị dài ngày.
Cyrptin (cyproheptadin) có thể gây chóng mặt, buồn nôn, khô miệng, mệt mỏi, kích động, rối loạn phối hợp, mất ngủ, nôn, ban dị ứng, nhức đầu...
Mặc dù thuốc có kích thích sự thèm ăn nhưng không làm tăng trọng một cách trực tiếp do giữ nước và natri lại trong cơ thể và gây phù như corticoid (loại thuốc cũng bị lạm dụng dùng “tăng cân thần tốc”) mà có tác dụng gián tiếp trị chứng chán ăn, làm cho người dùng thuốc ăn nhiều hơn (đương nhiên phải ăn uống đầy đủ chất) để tăng trọng. Khi đang dùng thuốc sẽ kích thích ăn ngon miệng nhưng khi ngưng thuốc sẽ chán ăn trở lại.
Thuốc có tác dụng phụ gây buồn ngủ, không được dùng (tức chống chỉ định) đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, trẻ em dưới 2 tuổi và người cao tuổi suy nhược.
Đối với trẻ em, thuốc có thể gây cơn co giật - gọi là tác dụng phụ thần kinh ngoại tháp. Thuốc cũng không được dùng ở những người bị tăng nhãn áp, u tuyến tiền liệt, loét dạ dày tá tràng. Do lợi bất cập hại như vậy nên rất nhiều nước đã không còn chỉ định dùng cyproheptadin trị chứng chán ăn nữa.
Với sulpirid có thể gây vô kinh, tiết sữa, giảm khoái cảm hay lãnh cảm, tăng cân, rối loạn vận động sớm, hội chứng ngoại tháp, rối loạn vận động muộn khi điều trị kéo dài, buồn ngủ, ngủ gật và hạ huyết áp thế đứng...
PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức cũng chia sẻ, có hai vấn đề sức khỏe được quan tâm rất nhiều hiện nay. Đó là, người gầy muốn dùng thuốc để tăng cân mập ra và ngược lại, người thừa cân, béo phì muốn dùng thuốc để người thon thả, gầy đi.
Tuy nhiên, có khá nhiều người tự ý dùng thuốc hay dùng chế phẩm gọi là thực phẩm chức năng, chỉ thông qua sự mách bảo, lời đồn đại hay quảng cáo ly kỳ trên mạng internet, làm cho hai vấn đề vừa nêu trở thành mối nguy hại nghiêm trọng của sức khỏe cộng đồng.
Vì vậy, xin những ai đọc được đơn thuốc này trên mạng đừng áp dụng chúng một cách mù quáng mà tổn hại đến thân.