Trong khi đó, nếu có triệu chứng bất thường, người bệnh cần khám bác sĩ. Việc tự ý sử dụng sản phẩm “thanh lọc phổi” không rõ nguồn gốc có thể gây ngộ độc gan, thận.
“Thổi phồng” công dụng?
Lợi dụng tâm lý lo lắng của F0 về ảnh hưởng Covid-19 tới phổi, thị trường thuốc bổ phổi, thanh lọc, thải độc phổi… trở nên “đắt hàng như tôm tươi”. Chỉ cần gõ cụm từ “thuốc thanh lọc phổi” trên Google, có hàng loạt sản phẩm hiện ra khiến người dân như lạc vào “ma trận”.
Các loại thuốc/thực phẩm chức năng này có xuất xứ từ nhiều thương hiệu, với mức giá khác nhau. Nhiều loại có giá vài trăm nghìn một hộp. Trong khi đó, một số loại thanh lọc phổi có thể có giá vài triệu đồng/hộp.
Không ít người sẵn sàng chi tiền triệu để mua các loại thuốc giải độc, thanh lọc, phục hồi chức năng phổi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu muốn bổ sung các loại thuốc, thực phẩm chức năng này, người dùng cần có sự tư vấn của bác sĩ. Trong khi đó, nhiều người tin dùng các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng vì cho rằng, chúng an toàn và ít gây tác dụng phụ.
Chị Nguyễn Thu Thuỷ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, sau khi khỏi Covid-19, cơ thể còn mệt và húng hắng ho. Sau đó, nghe các đồng nghiệp, chị đã tìm mua sản phẩm thanh lọc phổi.
“Nghe mọi người mách, tôi cũng thử dùng. Đặc biệt, người bán quảng cáo đó là hàng nhập ngoại, nên tôi càng tin tưởng. Tôi nghĩ, trong trường hợp không có tác dụng, thuốc bổ cũng sẽ không ảnh hưởng xấu đến cơ thể”.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Đinh Vạn Trung - nguyên Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Quân đội 108, cho rằng, không có thuốc bổ hay thực phẩm chức năng nào có tác dụng “thanh lọc phổi”.
Chuyên gia này giải thích, phổi khoẻ mạnh là khi được thông thoáng các đường thở, phế quản, khí lưu thông, không nhiễm khuẩn hay virus. Trong khi đó, thuốc bổ hay thực phẩm chức năng thường không thể giải quyết được những vấn đề ở phổi. Đồng thời, không giúp chống viêm hay làm phổi thông thoáng.
“Trước khi sử dụng thuốc hay thực phẩm chức năng, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để biết rõ về chức năng sản phẩm. Tuy nhiên, nếu nói thực phẩm chức năng có khả năng thanh lọc phổi là không chính xác.
Người dân không nên mua bừa bãi, dùng tràn lan, nghe mách nhau mà chưa được sự chỉ định của bác sĩ khi dùng các loại thực phẩm chức năng, thuốc ‘thanh lọc phổi’”, PGS Trung khuyến cáo.
PGS Trung cho biết, Covid-19 ảnh hưởng đến cơ quan hô hấp, nhưng chủ yếu là phần hô hấp trên như mũi, họng. Đặc biệt, biến thể Omicron ít ảnh hưởng đến phổi. Trong trường hợp có triệu chứng bất thường, như khó thở, hụt hơi… người bệnh cần đi khám bác sĩ.
Khi đó, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh nhân đang viêm ở giai đoạn, mức độ nào. Từ đó, giải quyết dứt điểm tình trạng bệnh. Sau khi điều trị, phổi sẽ thông thoáng.
“Quan trọng nhất là tập thở. Kể cả các chuyên gia quốc tế và trong nước đều khuyến khích người bệnh Covid-19 nên tập thở. Phương pháp này giúp tống hết cặn bã, khí thải trong phế nang ra ngoài, giúp phổi giãn nở bình thường. Người bệnh có thể tham khảo nhiều phương pháp tập thở.
Thực tế, không có thuốc bổ hay thực phẩm chức năng nào cải thiện tình trạng đó”, chuyên gia nhấn mạnh. Cũng theo PGS Trung, người dân không nên mua những sản phẩm không rõ xuất xứ. Bởi, những loại sản phẩm như vậy có nguy cơ gây ngộ độc thận, gan. Thậm chí, gây suy thận, gan.
Cải thiện chức năng phổi nhờ chế độ dinh dưỡng
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy Cao áp Việt Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng cho biết, mật ong, các loại bổ phế, thảo dược có tác dụng giảm đau họng, giảm ho. Người bệnh có thể dùng khi ho khan hoặc có đờm. Trong khi đó, với vitamin tổng hợp, người bệnh được khuyến cáo chỉ cần mỗi ngày 1 viên là đủ.
Theo bác sĩ Hoàng, điều quan trọng là bảo đảm ăn, ngủ tốt, vận động nhẹ nhàng, không đọc nhiều tin tức tiêu cực. Trong khi đó, việc không sử dụng các loại thảo dược, thực phẩm chức năng tăng đề kháng cũng sẽ không ảnh hưởng.
“Nếu ăn uống được, đủ bữa, đa dạng món ăn thì sẽ tốt hơn nhiều. Cần kết hợp các bài tập thở, tập khạc đờm để giúp giảm các tác nhân kích thích đường thở”, bác sĩ Hoàng cho biết.
Bác sĩ Đỗ Anh - Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, điều quan trọng nhất là người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng cung cấp đủ năng lượng, protein, vitamin và khoáng chất. Nhờ đó, giúp tái tạo hệ thống cơ, miễn dịch và năng lượng cho cơ thể.
Khi có chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng với rau củ quả, trái cây tươi, protein, hạn chế đồ chế biến sẵn, người bệnh không cần uống thêm vitamin hay thuốc bổ. Trong trường hợp không bổ sung đủ dinh dưỡng từ thực phẩm, mọi người nên tham khảo tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng để bổ sung các vi chất cần thiết.
Bên cạnh việc bổ sung dinh dưỡng bằng thực phẩm và các loại vitamin, người bệnh cần có một chế độ sinh hoạt và tập luyện phù hợp để cơ thể hồi phục toàn diện. Các bài tập thở đơn giản giúp cải thiện lưu lượng máu đến phổi và đường dẫn truyền trong lồng ngực, giúp tăng cường chức năng phổi.
Người bệnh được khuyến cáo thực hiện các bài tập như đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu, đạp xe, chống đẩy, squat... với cường độ vừa phải và tăng dần. Điều này giúp tăng nhịp tim và thúc đẩy lưu lượng máu. Từ đó, có thể giúp phổi phục hồi nhanh hơn.