Thực hư công dụng chữa bệnh của cây dừa cạn

GD&TĐ - Hiện nay, dừa cạn được được bày bán khá rộng rãi ở một số cửa hàng đông dược. Nhiều người tin rằng, vị thuốc này có tác dụng chữa suy thận, cao huyết áp, thậm chí chữa được bệnh ung thư,... Vậy thực chất dừa cạn có công dụng gì?

Ngoài làm vị thuốc, dừa cạn còn được dùng làm cây cảnh.
Ngoài làm vị thuốc, dừa cạn còn được dùng làm cây cảnh.

Dừa cạn có tên khoa học là Catharanthus roseus (L.) G. Don., thuộc họ Trúc đào Apocynaceae. Trong dân gian, còn gọi là trường xuân, hoa hải đằng, bông dừa, dương giác...

Cây dừa cạn cao chừng 0,4 - 0,8m, có bộ rễ rất phát triển, thân gỗ ở phía gốc, mềm ở phần trên, mọc thành bụi dày, có cành đứng. Lá mọc đối, thuôn dài, đầu lá hơi nhọn, phía cuống hẹp nhọn, dài 3 - 8 cm, rộng 1 - 2,5 cm. Hoa trắng hoặc hồng, mùi thơm, mọc riêng lẻ ở các kẽ lá phía trên.

Quả gồm hai đại, dài 2 - 4 cm, rộng 2 - 3 mm, mọc thẳng đứng, hơi ngả sang hai bên, trên vỏ có vạch dọc, đầu quả hơi tù, bên trong chứa 12 - 20 hạt nhỏ màu nâu nhạt, hình trứng, trên mặt hạt có các hột nổi thành đường chạy dọc.

Công dụng chữa bệnh của dừa cạn:

ThS. BS. Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện TƯQĐ 108, cho biết: Theo nghiên cứu của dược học hiện đại, hoạt chất của dừa cạn là những ancaloid có nhân indol như vinblastine, vincristine, vinleurosin...có trong tất cả các bộ phận của cây, nhiều nhất trong rễ và lá.

Đáng lưu ý, các nghiên cứu cho thấy, dừa cạn có tác dụng chống ung thư, làm hạ huyết áp và đường máu, lợi niệu và kháng khuẩn.

Mặc dù tác dụng của vinblastin và vincristin trong dừa cạn đã được chứng minh, tuy nhiên, không phải cứ dùng dừa cạn ở dạng thảo dược thì sẽ chữa được ung thư, bởi hàm lượng của vinblastin và vincristin trong cây là rất nhỏ (Vincristin chỉ đạt khoảng 0,0002% khối lượng trong dược liệu khô), trong khi đó một liều tiêm vincristin, vinblastin có hàm lượng rất cao, việc dùng các thành phần này cũng dễ bị ngộ độc (giảm bạch cầu hạt, suy tủy, rối loạn tiêu hóa, bệnh lý thần kinh ngoại vi...) nên cần có sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ điều trị.

Theo kinh nghiệm của y học dân gian một số nước, rễ dừa cạn còn có tác dụng tẩy giun và chữa sốt. Thân và lá được dùng để chữa một số bệnh ngoài da và nhất là chữa bệnh tiểu đường.

Kinh nghiệm dùng dừa cạn chữa bệnh tiểu đường cũng được ghi nhận ở Ấn độ, châu Úc, nam châu Phi, quần đảo Antilles, nhưng chưa có chứng minh bằng thực tế khoa học.

"Nhờ thực nghiệm trên chuột mà các nhà khoa học Canada đã phát hiện tác dụng làm giảm bạch cầu của một số chất tách được từ dừa cạn và dẫn đến sự phát hiện ra chất vincaleucoblastin và 3 ancaloid khác cũng có tác dụng chống khối u là leurosin, leurocristin và leurosidin.", BS. Hoàng Khánh Toàn nhấn mạnh.

Ngoài ra, người ta còn phát hiện tác dụng tẩy giun khá mạnh, tác dụng lợi tiểu của catharanthin, vindolinin và vindolidin, nhưng ajmalicin lại có tác dụng ngược lại. Ở nước ta, người dân thường dùng dừa cạn dưới dạng thuốc sắc để làm thuốc lợi tiểu, chữa cao huyết áp và bệnh tiểu đường; mỗi ngày dùng 10 - 16g.

Một số lưu ý khi sử dụng dừa cạn để chữa bệnh:

- Không dùng cho thai phụ và người đang nuôi con bằng sữa mẹ.

- Người huyết áp thấp không nên dùng

- Không nên sử dụng liều cao và kéo dài

- Tương tự các loại thuốc kháng ung thư khác, các chế phẩm alkaloid của dừa cạn cũng có thể gây một số phản ứng bất lợi như: buồn nôn, nôn, nhức đầu, tiêu chảy, táo bón, tắc ruột, liệt, chán ăn, viêm miệng, rụng tóc, giảm bạch cầu, viêm thần kinh.

- Tác dụng có thể khác nhau tùy cơ địa của người dùng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ