Thực hư chuyện du hành xuyên thời gian

GD&TĐ - Cỗ máy thời gian chỉ là sản phẩm trên phim ảnh, tuy nhiên vẫn có nhiều người trải nghiệm những tình huống lạ lùng, như bị trượt vào quá khứ hoặc tương lai. Những sự kiện kỳ lạ này dường như xảy ra một cách tình cờ và tự phát, mà nhân chứng không thể nào giải thích được.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Lạc đến tương lai

Năm 1935, Sir Robert Victor Goddard, Trung tướng thuộc Không lực Hoàng gia Anh (RAF), đã có một trải nghiệm lạ lùng trên chiếc phi cơ chiến đấu Hawker Hart. Trong khi bay từ Edinburgh, Scotland đến căn cứ Andover, Anh, Goddard quyết định lượn qua một phi trường bị bỏ hoang ở Drem, không xa Edinburgh là mấy.

Ông thấy phi trường bị cỏ mọc tràn lan và đàn bò đang nhẩn nha gặm cỏ ở nơi từng là khu vực chứa máy bay. Sau khi bay qua đó, bất ngờ Goddard gặp một cơn bão khiến máy bay bị xoay tròn hướng xuống mặt đất.

Tưởng chừng tai nạn thảm khốc khó tránh khỏi thì con chim sắt bỗng cất lên và hướng về phía Drem. Đến gần sân bay cũ, cơn bão bỗng nhiên biến mất, máy bay của Goddard bay dưới ánh nắng Mặt trời chói chang.

Lần này, bay trên phi trường Drem, ông thấy quang cảnh phía dưới hoàn toàn khác khi nãy. Có 4 chiếc máy bay đang đậu trên mặt đất: Ba chiếc là máy bay chiến đấu quen thuộc, nhưng sơn màu vàng rất lạ, chiếc thứ 4 là máy bay một lớp cánh, loại mà thời điểm đó RAF không có.

Riêng các công nhân cơ khí phi trường mặc đồng phục xanh là điều kỳ lạ đối với Goddard, bởi vì ông biết rất rõ các thợ máy của RAF đều mặc quần áo nâu. Điều kỳ lạ không kém là không ai trong số thợ máy này quan tâm đến chiếc máy bay của Goddard đang ở phía trên đầu họ. Với những thắc mắc trong đầu, ông tìm cách chuyển hướng đến Andover theo lịch trình.

Mãi cho đến năm 1939, RAF mới sơn màu vàng lên các máy bay và trang bị một chiếc máy bay một lớp cánh, loại mà Goddard đã nhìn thấy cách đó 4 năm. Đồng thời các thợ máy ở những phi trường đều được trang bị đồng phục màu xanh. 

Năm 1932, phóng viên báo Đức, J. Bernard Hutton và đồng nghiệp, nhiếp ảnh gia Joachim Brandt được phân công làm một phóng sự về nhà máy đóng tàu Hamburg-Altona.

Sau khi được giám đốc nhà máy đưa đi tham quan, hai phóng viên rời đi thì họ nghe tiếng máy bay gầm rú ở bầu trời phía trên rồi quả bom bắt đầu nổ và tiếng súng phòng không vang dội khắp nơi. Tranh thủ lúc ngớt tiếng bom, họ vội vàng lên xe và rời khỏi nhà máy.

Tuy nhiên, vừa ra khỏi khu vực, bầu trời dường như sáng lên. Nhìn lại nhà máy đóng tàu, không có sự hủy diệt nào cả, không có hậu quả của vụ ném bom, không có máy bay trên bầu trời. Mãi đến năm 1943, Không quân Hoàng gia Anh mới tấn công và phá hủy nhà máy đóng tàu này, giống từng chi tiết như những gì mà Hutton và Brandt đã trải qua 11 năm trước đó.

Phải chăng Sir Robert Victor Goddard và hai nhà báo Đức tình cờ lạc vào tương lai?

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Trôi vào quá khứ

TS Raul Rios Centeno, bác sĩ y khoa, nhà nghiên cứu về các hiện tượng siêu linh, được một phụ nữ 30 tuổi bị liệt nửa người kể cho nghe câu chuyện lạ xảy ra với cô: “Tôi ở tại một khu cắm trại trong vùng lân cận khu rừng đá nổi tiếng Markahuasi, cách Lima, Peru 35 dặm về phía Đông.

Đêm nọ, cùng một vài người bạn, tôi ra ngoài khám phá chung quanh. Thật lạ lùng, chúng tôi nghe những giai điệu nhạc du dương và thấy một nhà nhỏ bằng đá sáng đèn, bên trong có nhiều người đang nhảy múa. Nhanh chân tiến lại gần, thò đầu qua một cánh cửa mở, tôi thấy có nhiều người mặc quần áo kiểu hồi thế kỷ 17. Vừa bước một chân vào phòng thì một trong những cô bạn gái của tôi kéo tôi ra”.

Chính tại thời điểm đó, một nửa cơ thể của người phụ nữ trở nên tê liệt. Đó có phải là do bạn của cô kéo cô ra khỏi căn nhà đá, trong khi nửa người cô còn ở bên trong? Có phải nửa người của cô bị kẹt trong dòng xoáy thời gian hoặc ô cửa chiều kích? 

Vào tháng 10 năm 1969, một người đàn ông được biết với tên tắt là L.C và một người bạn lái xe theo hướng Bắc Abbeville, Louisiana, Mỹ, về Lafayette trên cao tốc 167. Khi chạy dọc theo con đường vắng, họ bắt kịp một chiếc xe hơi cổ chạy rất chậm phía trước.

Hai người ấn tượng mạnh bởi tình trạng còn mới tinh của chiếc xe gần 30 năm tuổi và lấy làm lạ bởi bảng số xe màu cam sáng chói, trên đó ghi số“1940”. Họ suy đoán đây có thể là hiện vật của cuộc triển lãm xe hơi cổ.

Người lái chiếc xe này là một phụ nữ còn trẻ, mặc quần áo kiểu những năm 1940 và cùng đi là một đứa bé ăn mặc cũng kiểu như thế. Người phụ nữ dường như sợ hãi và bối rối. L.C hỏi liệu cô có cần giúp đỡ gì không, và qua cửa chiếc xe được quay lên, cô ra dấu “yes”. L.C ra hiệu cho cô tấp xe vào lề rồi cho xe vượt qua tấp theo.

Nhưng khi hai người bước ra, định đến chiếc xe cổ thì nó đã biến mất. Một lúc sau, một chiếc xe khác dừng lại. Người tài xế nói ông ta chỉ thấy chiếc xe của họ bỗng tấp vào lề chứ không có chiếc xe nào khác. 

Hai cặp vợ chồng người Anh đi nghỉ hè ở miền Bắc nước Pháp bằng xe hơi. Họ phải tìm một nơi để nghỉ qua đêm. Đó là vào năm 1979. Dọc đường đi, họ nhìn thấy những biển hiệu gắn dọc đường dường như là quảng cáo cho một gánh xiếc rất xưa.

Họ tìm thấy một khách sạn kiểu cổ, không có các trang bị, tiện nghi hiện đại như điện thoại, TV. Các căn phòng không có khóa, chỉ có chốt cửa bằng gỗ. Buổi sáng, trong khi các du khách đang ăn điểm tâm, thì có hai sĩ quan cảnh sát bước vào. Họ mặc đồng phục và đội mũ kiểu rất xưa. Sau khi được chỉ hướng đến Avignon, hai cặp đôi trả tiền phòng qua đêm chỉ 19 francs và rời đi.

Sau hai tuần ở Tây Ban Nha, họ quay trở về bằng đường cũ và quyết định đến khách sạn cổ giá rẻ lúc trước. Chắc chắn là họ đến đúng địa điểm (họ nhìn thấy những biển hiệu quảng cáo xiếc vẫn còn), nhưng khách sạn cũ biến mất không để lại dấu vết.

Những tấm phim chụp khách sạn sau đó không rửa ra ảnh được. Một nghiên cứu nhỏ tiết lộ rằng, từ năm 1905, sĩ quan cảnh sát Pháp đã ngưng mặc đồng phục với kiểu mũ mà họ gặp.

Phải chăng họ bị trôi vào quá khứ và gặp những “người muôn năm cũ”?

Theo Liveabout

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

GD&TĐ -Ngày 18/11, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Đề án xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững”.