Ghi nhận những nỗ lực và kết quả đạt được trong quá trình thực hiện tự chủ ĐH, nhưng ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cũng cho rằng: Tự chủ ĐH còn gặp rào cản một khi quy định liên quan tại các luật khác chưa sửa đổi đồng bộ.
Nhiều cơ hội mở ra nhờ tự chủ
- Ông đánh giá thế nào về những bước tiến trong thực hiện tự chủ với giáo dục ĐH Việt Nam cho đến nay?
- Có thể nói, thúc đẩy và mở rộng tự chủ ĐH, tăng cường hội nhập quốc tế là tất yếu. Tự chủ ĐH là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị ĐH tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng. Ở Việt Nam, khái niệm tự chủ ĐH được đề cập từ khá sớm (Luật Giáo dục 2009); sau đó cụ thể hóa trong Luật Giáo dục ĐH năm 2012. Tuy nhiên, do chưa được quy định một cách cụ thể nên trong quá trình thực hiện có vướng mắc, hạn chế.
Do đó, trên cơ sở Luật Giáo dục ĐH 2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014 - 2017, giao nhiệm vụ và cho phép 23 cơ sở giáo dục ĐH, thực hiện tự chủ. Các trường được phân quyền mạnh hơn trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tổ chức và tài chính; chủ động, linh hoạt hơn về tổ chức bộ máy, tuyển dụng nhân sự và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Tuy nhiên, theo Nghị định 77, cơ sở giáo dục ĐH nào tự lo được kinh phí - cả chi thường xuyên và đầu tư - thì thực hiện quyền tự chủ cao. Quan niệm này chưa phản ánh đúng bản chất của tự chủ, vì tự chủ không phải tự lo kinh phí mà là được chủ động cao trong tự quyết định hoạt động của đơn vị mình, chủ động cao trong các lĩnh vực hoạt động. Có cơ sở giáo dục ĐH Nhà nước vẫn phải đầu tư, nhưng đầu tư theo tinh thần tự chủ là: Dù Nhà nước có đầu tư nhưng phương thức đầu tư thay đổi, đầu tư theo nhiệm vụ, đặt hàng. Còn cơ sở được quyền chủ động cao trong các lĩnh vực hoạt động của mình.
Năm học 2019 - 2020, quyền tự chủ cho các trường trong chuyên môn, đào tạo, nhân sự và tài chính... được đẩy mạnh thông qua việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Theo đó, khi bảo đảm đủ các điều kiện, cơ sở giáo dục ĐH sẽ được giao quyền tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình, tập trung vào các mặt chủ yếu như học thuật, hoạt động chuyên môn, nhân sự, tài chính và tài sản.
Có thể nói, tự chủ ĐH đã mở ra nhiều cơ hội cho các cơ sở giáo dục ĐH, đặc biệt là trong thu hút nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước; đầu tư điều kiện thực hiện chương trình đào tạo, hợp tác quốc tế trong trao đổi sinh viên, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học…
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tự chủ vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Như về thực hiện nhiệm vụ đào tạo: Một số trường mở mã ngành mới nhưng không đủ điều kiện về giảng viên cơ hữu nên chất lượng đào tạo chưa tương xứng với dịch vụ cung cấp. Một số trường chưa hoàn thiện cơ cấu tổ chức theo quy định, chưa thành lập Hội đồng trường; chưa ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường; hình thức hoạt động của Hội đồng trường chủ yếu bằng các cuộc họp, vai trò định hướng phát triển, giám sát của Hội đồng trường khá mờ nhạt...
Phải sửa đổi đồng bộ các quy định
- Với việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Nghị định hướng dẫn thi hành luật, liệu có thể coi hành lang pháp lý cho tự chủ ĐH đã thực sự đầy đủ, theo ông?
- Với việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, quy định về tự chủ, đặc biệt là tự chủ trong chuyên môn được quy định khá rõ. Nhưng các lĩnh vực khác trong hoạt động của nhà trường thì còn được quy định bởi các luật khác. Như vấn đề tài chính, tài sản theo Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách Nhà nước; nghiên cứu khoa học được quy định bởi Luật Khoa học và Công nghệ, Luật chuyển giao Khoa học công nghệ; nhân sự theo quy định của Luật Viên chức, Luật Cán bộ, công chức... Những luật này chưa được sửa đổi đồng bộ, nên tự chủ về những lĩnh vực liên quan vẫn còn hạn chế.
Muốn các trường được thực sự tự chủ, những quy định trong các luật có liên quan phải được sửa đổi đồng bộ; hoặc ban hành một luật để sửa các luật có liên quan, giống như Quốc hội đã làm với Luật Quy hoạch, lúc đó cơ sở giáo dục ĐH mới thực sự được tự chủ theo đúng nghĩa.
- Vậy còn câu chuyện cơ quan chủ quản? Việc tiếp tục hay bỏ cơ quan chủ quản có thực sự ảnh hưởng đến tự chủ của các trường hay không?
- Theo quy định hiện hành, hiện chỉ còn cơ quan quản lý và cơ quan cấp trên; khái niệm chủ quản cũng không còn được quy định chính thức trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Khi tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH, vai trò của cơ quan cấp trên tự nhiên sẽ mờ đi. Nếu thực hiện đúng vai trò quản lý, bản thân cơ quan cấp trên cũng phải nhận thức đúng và giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc một cách đầy đủ. Cơ quan quản lý không cần và không nên can thiệp sâu vào hoạt động của nhà trường mà để nhà trường phát huy quyền tự chủ.
Với thể chế của chúng ta, việc có một cơ quan quản lý là điều bình thường và là đương nhiên. Vấn đề là bản thân các cơ quan quản lý và chính các cơ sở giáo dục ĐH đón nhận, ứng xử và thực hiện như thế nào về tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH.
- Có ý kiến cho rằng, nếu không làm tốt việc giao quyền tự chủ cho các trường có thể sẽ dẫn đến việc tăng học phí mà không chú trọng chất lượng đào tạo. Theo ông, làm sao có thể giám sát được việc thực hiện cam kết của trường ĐH khi nhận tự chủ?
- Khi các trường thực hiện tự chủ phải gắn liền với trách nhiệm giải trình, trong đó có giải trình với xã hội, phụ huynh, người học. Việc tăng học phí có đi đôi với tăng chất lượng hay không cũng là nội dung các trường phải giải trình, công khai.
Hơn nữa, bản thân các trường cũng sẽ có sự cạnh tranh, nên khi tăng học phí, người học có quyền lựa chọn vào trường chi phí hợp lý và chất lượng tốt.
Ngoài ra, hiện Chính phủ vẫn quy định mức trần học phí và các cơ sở giáo dục chỉ được đề ra mức học phí trong mức trần đó.
Bởi vậy, học phí chắc chắn sẽ được các trường cân nhắc ở mức hợp lý.