Thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết để người lao động "ai ở đâu ở đấy"

GD&TĐ - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, nhất là đối tượng có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt để đoàn viên, người lao động an tâm "ai ở đâu ở đấy."

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giúp đỡ người lao động di chuyển về địa phương, ưu tiên và sớm thực hiện việc tiêm vắc xin

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ra văn bản số 2422/TLĐ ngày 1/8, yêu cầu các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc triển khai một số nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Đáng chú ý là một số yêu cầu đối với các liên đoàn lao động tỉnh, thành giúp đỡ người lao động di chuyển về địa phương. Đồng thời, phối hợp các cấp, các ngành và người sử dụng lao động tuyệt đối không để đoàn viên, người lao động di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ ngày 1/8 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép).

Công văn nêu rõ, các cấp công đoàn tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống, kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm, động viên tinh thần đoàn viên, người lao động; không để đoàn viên, người lao động thiếu ăn, thiếu mặc; triển khai thực hiện khẩn trương gói hỗ trợ và các chính sách chăm lo người lao động của Tổng Liên đoàn.

Tham gia đôn đốc, giám sát và triển khai thực hiện gói hỗ trợ của Chính phủ; tham mưu chính quyền địa phương ưu tiên và sớm thực hiện việc tiêm vắc xin cho công nhân và cán bộ công đoàn, nhất là những người tham gia tuyến đầu chống dịch.

Vận động người lao động ở lại sản xuất; tuyệt đối không rời khỏi tình, thành phố nơi cư trú từ ngày 1/8

Công đoàn cấp trên cơ sở chỉ đạo ban chấp hành công đoàn cơ sở tuyên truyền, vận động người lao động ở lại sản xuất tại những doanh nghiệp có đủ các điều kiện bảo đảm sản xuất an toàn, thể hiện trách nhiệm chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp.

Đối với liên đoàn lao động các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg: Tuyên truyền rộng rãi và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, nhất là đối tượng có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt để đoàn viên, người lao động an tâm "ai ở đâu ở đấy."

Công đoàn phối hợp các cấp, các ngành và người sử dụng lao động tuyệt đối không để đoàn viên, người lao động di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ ngày 1/8 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép).

Đối với đoàn viên, người lao động đã rời khỏi tỉnh, thành phố xuất phát đến địa bàn tỉnh, thành phố khác, liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố trên cung đường người lao động đi qua, báo cáo cấp ủy, chính quyền, tham gia cùng Mặt trận Tổ quốc địa phương hỗ trợ người lao động căn cứ theo mức hỗ trợ chung của địa phương, tối đa không quá 60.000 đồng/người, từ nguồn kinh phí công đoàn tích lũy.

Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố nơi người lao động trở về, tham gia cùng chính quyền địa phương tổ chức đón, đưa về địa phương bảo đảm an toàn.

Đối với đoàn viên, người lao động đăng ký trở về địa phương thuộc đối tượng được chính quyền nơi đi, nơi đến cho phép: Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố nơi đi lập danh sách, báo cáo, tham mưu với cấp ủy, chính quyền tổ chức theo đoàn bảo đảm an toàn.

Kịp thời vận động, chia sẻ để đoàn viên, người lao động bình tĩnh, không hoang mang, lo lắng

Nếu có đoàn viên, người lao động gặp khó khăn, cần hỗ trợ, căn cứ các quy định hiện hành của Tổng Liên đoàn để áp dụng và giải quyết kịp thời. Thông báo cho Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố nơi đến biết và phối hợp thực hiện.

Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố nơi đến báo cáo, tham mưu với cấp ủy, chính quyền tổ chức đón, tiếp nhận người lao động trở về địa phương an toàn, tổ chức cách ly, giám sát y tế theo đúng quy định.

Đối với người lao động đặc biệt khó khăn cần hỗ trợ, phải phối hợp, lấy thông tin từ Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố nơi đi để xem xét, quyết định việc hỗ trợ.

Đối với những địa phương chưa thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT- TTg, công đoàn cần nắm bắt tình hình đoàn viên, người lao động có nhu cầu trở về địa phương; tuyên truyền, vận động để đoàn viên, người lao động không rời địa bàn; trong trường hợp cần thiết phải rời địa bàn, công đoàn lập danh sách, nghiên cứu kỹ các quy định cho phép của nơi đi và nơi đến để tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với người sử dụng lao động để có các giải pháp kịp thời, cụ thể.

Tổ chức Công đoàn kịp thời vận động, chia sẻ để đoàn viên, người lao động bình tĩnh, không hoang mang, lo lắng; đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Nhà nước, quyết tâm cao, nỗ lực vượt khó, chia sẻ với khó khăn chung của doanh nghiệp, địa phương và đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ