Kích thích sự năng động, sáng tạo của nhà giáo
Nhận định của Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Bảo Quốc, chủ trương “một chương trình, nhiều bộ SGK” đang được thực hiện hướng đến mục đích không chỉ cung cấp kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho học sinh, mà quan trọng hơn là trên nền tảng kiến thức, kỹ năng đó, hình thành các phẩm chất và phát triển năng lực. Đặc biệt, khi “chương trình là pháp lệnh, SGK là tài liệu tham khảo” sẽ tạo sự cạnh tranh công bằng cho các nhóm tác giả về đầu tư chất lượng nội dung, hình thức…
Với nhiều bộ SGK, nhà trường, giáo viên có cơ hội lựa chọn sản phẩm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, nguồn ngữ liệu ở nhiều bộ sách khác nhau sẽ mở ra tính đa dạng, đem lại cơ hội lựa chọn ngữ liệu tham khảo cho giáo viên, cha mẹ và học sinh. Bên cạnh đó, nhiều SGK cùng đáp ứng một chương trình được quy chuẩn sẵn, giúp nội dung giáo dục cho người học đảm bảo tính cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiện đại, tiếp thu được tinh hoa văn hóa nhân loại từ nhiều góc độ, cách nhìn. Đây cũng là mục đích giáo dục mà chúng ta đang theo đuổi.
“Nhiều SGK còn làm cho chương trình sống động hơn; nội dung học tập, các tri thức mà người học tiếp thu được phong phú. Cả chương trình và SGK có thể tồn tại lâu dài hơn và trong quá trình đào tạo. Những SGK mới theo quy luật khách quan sẽ được xuất hiện lại và bổ sung, cập nhật phù hợp với thực tiễn mới, làm quá trình giáo dục, dạy học sinh động, liên tục phát triển.
Chấp nhận sự tồn tại của nhiều bộ SGK cùng đáp ứng cho một chương trình là động lực kích thích sự năng động sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, ý thức trách nhiệm và sứ mệnh cao cả của người thầy cùng tham gia đào tạo nguồn nhân lực, nhân tài cho đất nước”, ông Nguyễn Bảo Quốc cho hay.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Giang, thực hiện một chương trình, nhiều SGK, các nhà trường, giáo viên được giao quyền chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, dạy học môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình; giáo viên có nhiều tư liệu phục vụ dạy học.
Tuy nhiên, khó khăn của việc này là khi xây dựng kế hoạch dạy học của tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy của giáo viên, nhiều đơn vị còn máy móc, chưa linh hoạt. Đặc biệt, giáo viên khi xây dựng kế hoạch bài dạy còn quá dài, không đủ thời lượng để tổ chức dạy học trên lớp. Việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá còn hạn chế…
Giải pháp từ thực tiễn
Từ thực tiễn sau một giai đoạn triển khai, ông Bùi Văn Khiết - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định chia sẻ kinh nghiệm phát huy ưu thế và khắc phục khó khăn trong việc thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK.
Trước hết, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn SGK nghiêm túc, khoa học, đúng quy định. Lựa chọn SGK môn học phù hợp với điều kiện kinh tế -xã hội của địa phương, tổ chức dạy - học của cơ sở giáo dục, giúp nhà trường phát huy được ưu thế của việc sử dụng nhiều bộ SGK, như: Có nhiều hướng tiếp cận nội dung môn học, vận dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học và kiểm tra, đánh giá được gợi mở trong mỗi bộ SGK; có nguồn ngữ liệu đa dạng, phong phú, chất lượng.
Thứ hai, tổ chức họp giáo viên cốt cán, xây dựng khung chương trình các môn học theo bộ sách khác nhau. Trên cơ sở chương trình môn học từng khối lớp của Bộ GD&ĐT ban hành và các bộ SGK hiện hành, chương trình mỗi môn học ở từng khối lớp được phân chia tương đối theo thời điểm sau khi kết thúc học kỳ I và cả năm học để tạo điều kiện thuận lợi cho những môn học có tổ chức các cuộc thi, hội thi cấp tỉnh dành cho học sinh, giáo viên.
Thứ ba, hướng dẫn tổ chức sinh hoạt chuyên môn cho các cơ sở giáo dục linh hoạt, sáng tạo nhưng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với việc thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK. Các nhà trường, cụm huyện dù lựa chọn SGK khác nhau của một môn học đều được cùng tổ chức sinh hoạt chuyên môn, trao đổi, thảo luận, đề xuất ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm các tiết dạy thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Thứ tư, xây dựng phương án tổ chức các cuộc thi, hội thi đảm bảo công bằng, khách quan, phát huy năng lực chuyên môn cho giáo viên trong điều kiện thực hiện nhiều bộ SGK. Đơn cử, ban tổ chức lựa chọn nội dung tiết dạy theo bộ sách sử dụng ở nơi nhà trường tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi, song sẽ chỉ thông báo địa điểm tổ chức hội thi trong khoảng thời gian nhất định; lựa chọn nhiều bộ sách khác nhau ở các môn khác nhau: Nếu môn Toán thi theo tiết dạy của SGK Kết nối tri thức với cuộc sống thì môn Ngữ văn có thể theo SGK Cánh diều…
Thứ năm, hướng dẫn chi tiết thực hiện việc chuyển trường cho học sinh đảm bảo đúng quy định hiện hành và phù hợp việc thực tế các nhà trường lựa chọn nhiều bộ sách khác cho mỗi môn học.
Cuối cùng, chú trọng hướng dẫn việc cung ứng, sử dụng SGK trong cơ sở giáo dục. Trên cơ sở kết quả lựa chọn SGK được UBND tỉnh phê duyệt, hằng năm, sở GD&ĐT ban hành các văn bản hướng dẫn cơ sở giáo dục về công tác phát hành SGK; thông báo tới cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, đơn vị được ủy quyền cung cấp SGK trên địa bàn tỉnh.
Các cơ sở giáo dục hỗ trợ, giúp đỡ học sinh, cha mẹ học sinh liên hệ với đơn vị cung ứng SGK được các nhà xuất bản ủy quyền để mua đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ; cơ bản không xảy ra tình trạng chậm, thiếu SGK. Cơ sở giáo dục tích cực huy động các nguồn lực hỗ trợ, tặng SGK cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời khuyến khích học sinh giữ gìn SGK để tặng cho khóa sau.
Để triển khai hiệu quả tổ chức dạy học với một chương trình, nhiều SGK, ông Nguyễn Bảo Quốc cho biết, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo giáo viên phải tham dự các buổi hội thảo giới thiệu SGK trước khi tiến hành lựa chọn sách nhằm hiểu, phân tích được thế mạnh của từng SGK. 100% trường học trên địa bàn mua ít nhất 5 bộ SGK đưa vào thư viện để thầy cô nghiên cứu, sử dụng.
Sở GD&ĐT cũng lưu ý sử dụng linh hoạt nội dung, tài liệu, ngữ liệu của bộ sách khác nhau để xây dựng bài dạy phù hợp; tăng cường giao lưu, học tập, sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học ở các trường, cụm chuyên môn để trao đổi, học tập việc giảng dạy theo bộ SGK khác nhau.