Thực hiện "hộ chiếu vắc xin" với tinh thần bảo đảm an toàn trên hết

GD&TĐ - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 nghe báo cáo và thảo luận liên quan vấn đề “hộ chiếu vắc xin” yêu cầu với tinh thần “thực hiện mục tiêu kép nhưng bảo đảm an toàn là trên hết”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP/Đình Nam

Sáng 19/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo, nghe báo cáo, thảo luận về một số vấn đề liên quan đến triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; công tác chuẩn bị giải pháp kỹ thuật, chính sách thực hiện “visa vắc xin” (còn gọi là "hộ chiếu vắc xin").

Thường trực Ban Chỉ đạo đã nghe báo cáo, ý kiến của các Bộ: TT&TT, Ngoại giao, Y tế, Công an, Quốc phòng, các nhà mạng về công tác chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật; nghiên cứu, đề xuất chính sách, hướng dẫn cụ thể để thực hiện chủ trương “visa vắc xin” trong thời gian tới, khi điều kiện cho phép, với tinh thần “thực hiện mục tiêu kép nhưng bảo đảm an toàn là trên hết”.

Tại cuộc họp, đại diện Hội đồng Tư vấn du lịch bày tỏ đồng tình với chủ trương, phương châm của Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế về vấn đề “hộ chiếu vắc xin”.

Đối với người dân trong nước, thông tin tiêm chủng sẽ được tích hợp vào hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân, thực hiện liên thông với cơ sở dữ liệu công dân, không chỉ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong tiêm chủng, mà còn giúp kiểm soát việc đi lại, di chuyển trong tình hình có dịch sau này một cách thống nhất, thuận lợi.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin thêm tới đây, khi đi tiêm chủng, người dân phải tải ứng dụng hồ sơ điện tử, khai báo lại thông tin cần thiết.

Cơ sở y tế quét mã QR-code thay vì thực hiện thao tác trên giấy; thông tin cho người dân về vắc xin, điều khoản tiêm chủng…

Sau đó, người dân được khám sàng lọc, tiêm, theo dõi sau tiêm và hoàn thành quy trình tiêm.

Sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19, người dân được cấp chứng nhận và mã QR-Code xác nhận. Bên cạnh đó, nhân viên ngành y tế có thể cập nhật kết quả tiêm chủng cho người trong diện tiêm chủng.

Cơ quan quản lý nắm bắt thông tin số liệu nhằm phục vụ việc triển khai chương trình tiêm vắc xin COVID-19 và được cung cấp công cụ giám sát thông tin người dân đã tiêm vắc xin COVID-19.

Đối với người nước ngoài, đại diện các bộ ngành, nhà mạng di động lớn cho biết hệ thống hạ tầng kỹ thuật sẽ được hoàn thiện và sẵn sàng triển khai từ tháng 4/2021.

Thường trực Ban Chỉ đạo lưu ý, hệ thống kỹ thuật phải tính đến những trường hợp phức tạp nhất, sẵn sàng để triển khai ngay sau khi có chính sách cụ thể về visa vắc xin.

Về chính sách, hướng dẫn cụ thể, Bộ Y tế tiếp tục làm việc với các cơ quan y tế nước ngoài để Việt Nam có thể sớm tham gia vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc tạo điều kiện cho giao thương, đi lại thuận lợi cho những người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở các nước.

Về tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong nước, theo số liệu của Chương trình Tiêm chủng quốc gia, tính đến 16h ngày 18/3/2021, Việt Nam đã thực hiện tiêm vắc xin AstraZeneca cho 27.546 người.

Các điểm tiêm chủng đều tuân thủ quy định của Bộ Y tế về đảm bảo an toàn tiêm chủng. Tỷ lệ phản ứng sau tiêm ở mức cho phép theo khuyến cáo của nhà sản xuất vắc xin. Một số trường hợp phản vệ độ 2 được phát hiện, xử lý kịp thời theo đúng quy định của Bộ Y tế và sức khoẻ những trường hợp này đều đã bình phục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani. Ảnh: Fatemeh Bahrami/Getty Images

Iran đòi Mỹ bồi thường nghìn tỷ USD

GD&TĐ - Một quan chức cấp cao Iran cho biết Washington phải bồi thường thiệt hại do lệnh trừng phạt đơn phương gây ra cho nước ông trong nhiều thập kỷ.