Thực hiện được "3 không", Covid-19 sẽ không còn là đại dịch

GD&TĐ - Theo PGS. TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, các địa phương cần thực hiện giải pháp như: Giảm lây nhiễm để kiềm chế những ca mắc mới, có thể không dùng thuật ngữ F0-F1....

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Ban chỉ đạo thành phố với các Ban chỉ đạo quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch bệnh, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đã chia sẻ kinh nghiệm trong điều trị các bệnh nhân F0 thể nặng tại bệnh viện và các F0 thể nhẹ tại nhà; Việc phối hợp với quận Ba Đình trong việc hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân F0 cũng như việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng cao tuổi, bệnh nền.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, hiện nay chúng ta cần xác định đích đến là "3 không" (không nhiễm, nếu nhiễm không chuyển nặng và nếu chuyển nặng không tử vong), nếu làm được thì Covid-19 sẽ không còn là đại dịch.

Để thực hiện được các địa phương cần thực hiện 5 giải pháp như: Thứ nhất, giảm lây nhiễm để kiềm chế những ca mắc mới, trong đó người dân cần thực hiện nghiêm "5K", khai báo một cách thân thiện; có thể không dùng thuật ngữ F0-F1 mà thay bằng người nhiễm và người tiếp xúc gần.

Thứ hai, là giải pháp tiêm phủ vắc xin cho 100% dân số (gồm cả người cao tuổi và có bệnh nền) để giảm chuyển nặng, giảm tử vong.

Các địa phương cần đi từng ngõ, gõ từng nhà để rà soát danh sách; các bệnh viện tuyên truyền, cùng đồng hành với các địa phương để tiêm đủ vắc xin cho người dân.

Thứ ba, chăm sóc người nhiễm tại cơ sở; đồng thời tăng cường trạm y tế lưu động cấp phường, xã.

Thứ tư, kịp thời đưa các ca chuyển nặng tới bệnh viện, phải có sự điều phối, sơ đồ hóa để chuyển người bệnh chuyển nặng khi cần thiết.

Cuối cùng là phải tăng cường năng lực của các bệnh viện trong công tác khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân Covid-19.

Định nghĩa mới nhất về ca bệnh Covid-19

Trong hướng dẫn mới nhất ngày 29/12, Bộ Y tế đưa ra các định nghĩa điều chỉnh về ca bệnh Covid-19.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với các biến chủng có khả năng lây lan nhanh và gây nguy hiểm như Delta và Omicron.

Tại Việt Nam, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát, tuy nhiên số ca mắc mới có xu hướng tăng tại một số tỉnh, thành phố; để tiếp tục chủ động tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc, quản lý hiệu quả các ca bệnh Covid-19 trong bối cảnh cả nước đang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phù hợp với điều kiện và nguồn lực của các địa phương, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế tổ chức thực hiện giám sát bệnh Covid-19 với các nhóm đối tượng, cụ thể:

Ca bệnh giám sát (ca bệnh nghi ngờ) là một trong số các trường hợp:

- Là người tiếp xúc gần (F1) và có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng như sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giám hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp.

- Là người có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1) và có có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng như trên.

- Là người có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với virus SARS-CoV-2 ().

- Người có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1) là người có mặt trên cùng phương tiện giao thông hoặc cùng địa điểm, sự kiện, nơi làm việc, lớp học... với ca bệnh xác định (F0) đang trong thời kỳ lây truyền.

- Người ở, đến từ khu vực ổ dịch đang hoạt động.

Ca bệnh xác định (F0) là một trong số các trường hợp sau:

- Là người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của virus (PCR).

- Là người tiếp xúc gần (F1) và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với virus SARS-CoV-2.

- Là người có biểu hiện lâm sàng nghĩ mắc Covid-19 (ca bệnh nghi ngờ và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2 và có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1).

- Là người có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính 2 lần liên tiếp (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần 1 với virus SARS-CoV-2 và có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1).

Sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2 phải thuộc danh mục được Bộ Y tế cấp phép. Xét nghiệm nhanh kháng nguyên do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

Người tiếp xúc gần (F1) là một trong số các trường hợp sau:

- Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp dưới da, cơ thể...) với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.

- Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0.

- Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.

- Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0 mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).

Theo Bộ Y tế, thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định (F0) được tính từ 2 ngày trước khi khởi phát (đối với ca bệnh xác định không có triệu chứng thì thời kỳ lây truyền được tính từ 2 ngày trước ngày được lấy mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính) cho đến khi kết quả xét nghiệm âm tính hoặc giá trị CT>30.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.