Thúc đẩy việc làm bền vững và xóa bỏ đói nghèo

GD&TĐ - Việt Nam sẽ tham gia ngày càng tích cực hơn vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu cùng với các cam kết mạnh mẽ về tiêu chuẩn lao động và dịch chuyển lao động; thúc đẩy việc làm bền vững thông qua đào tạo; đảm bảo an sinh và công bằng xã hội, xóa bỏ đói nghèo… là những nội dung được nhấn mạnh tại Hội nghị Lao động Quốc tế lần thứ 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), vừa diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ).

Thúc đẩy việc làm bền vững và xóa bỏ đói nghèo

Tham gia có hiệu quả vào chuỗi cung ứng

Hội nghị của ILO năm nay tập trung thảo luận các vấn đề như: Việc làm bền vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu; chuyển đổi việc làm hướng tới hòa bình, phát triển, đánh giá tuyên bố năm 2008 của ILO về công bằng xã hội hướng tới toàn cầu hóa công bằng; thông qua các sửa đổi của Công ước Lao động hàng hải và phụ lục Công ước Hồ sơ nhận dạng thuyền viên.

Trong bài phát biểu của mình, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham gia có hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu đối với mỗi quốc gia nhằm phát triển kinh tế; tăng trưởng bền vững, góp phần đảm bảo an sinh và công bằng xã hội, xóa bỏ đói nghèo. Điều này càng trở nên quan trọng khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới với việc ký kết Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN.

Thứ trưởng bày tỏ, Việt Nam ủng hộ sáng kiến về “chấm dứt đói nghèo - ILO và Chương trình nghị sự 2030” cũng như các sáng kiến thiên niên kỷ chuẩn bị chào đón 100 năm thành lập ILO, đặc biệt là những sáng kiến như tương lai việc làm, sáng kiến về tiêu chuẩn lao động, phụ nữ và việc làm... Trên phương diện luật pháp và chính sách, Việt Nam đã và đang hoàn thiện pháp luật lao động với sự tham vấn rộng rãi với các đối tác ba bên hướng tới tiếp cận các chuẩn mực quốc tế; đảm bảo việc làm bền vững.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng nêu bật nhiều giải pháp mà Việt Nam đã thực hiện như tuyên truyền phổ biến pháp luật; đầu tư nguồn lực cho việc thực hiện các chương trình quốc gia về việc làm, an toàn lao động, dạy nghề, bình đẳng giới; nâng cao chất lượng thanh tra lao động, tích cực tham gia vào các sáng kiến của khu vực; tiến hành cải cách quan hệ lao động ở cấp cơ sở, hợp tác chặt chẽ với ILO trong việc thực hiện chương trình quốc gia về việc làm bền vững, dự án việc làm tốt hơn; triển khai các sáng kiến về việc làm trong tương lai của ILO…

Đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo nông nghiệp

Trong khuôn khổ Hội nghị, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Võ Kim Cự đã có cuộc tiếp xúc song phương với đại diện ILO, nhằm cụ thể hóa bản ghi nhớ đã được hai bên ký kết trước đó tại Hà Nội. Theo đó, hai bên đã cam kết hợp tác trong việc thực hiện hiệu quả và xây dựng các chiến lược để thúc đẩy việc làm giảm nghèo, hỗ trợ chuyển dịch cho khối lao động phi kết cấu, phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững và toàn diện, bao gồm: Nâng cao nhận thức và năng lực cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (VCA) về hỗ trợ việc chuyển đổi trong các chuỗi giá trị được lựa chọn; Hỗ trợ VCA đào tạo, tập huấn cho giảng viên nguồn và đào tạo cho giảng viên (TOT); Áp dụng các bộ công cụ của ILO hỗ trợ chuyển dịch cho lao động khu vực phi kết cấu sang kết cấu; ILO cũng sẽ hỗ trợ và tìm thị trường đầu ra cho một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam tại các thị trường khó tính như: Nhật, Đức, Thụy Sĩ, Pháp… VCA mong muốn ILO hỗ trợ đào tạo cho nông dân kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp; Hỗ trợ Việt Nam chuyển dịch cơ cấu lao động; tăng cường đối thoại xã hội… giúp VCA nâng cao năng lực tập hợp, tham gia, vận động chính sách phát triển hợp tác xã.

Hội nghị lao động quốc tế của ILO được tổ chức thường niên với sự tham gia của các đoàn ba bên đại diện của Chính phủ, các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động của tất cả 186 quốc gia thành viên. Những thảo luận và định hướng của Hội nghị là cơ sở quan trọng để các quốc gia thành viên tham khảo trong quá trình xây dựng và thực hiện luật pháp, chính sách quốc gia của mình phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ