“Nói chuyện riêng” trong lớp
Ramond Steinmetz – một giáo viên tại Anh chia sẻ: “10 năm trước, khi tôi mới vào nghề, tôi làm bất cứ điều gì để duy trì quy tắc nghiêm chỉnh trong lớp học của mình. Hiếm khi các học sinh được phép nói mà không giơ tay. Tất cả các bàn học trong lớp tôi dạy đều quay mặt về phía trước, và tôi kiểm soát mọi thông tin liên lạc giữa các học sinh. Mọi thứ đều phải tuân thủ theo nguyên tắc, nhưng điều đó đôi khi không mang lại hiệu quả như tôi mong muốn”.
Sau một thập kỷ tuân thủ các nguyên tắc, hiện nay, vai trò của Ramond giống như một huấn luyện viên toán học hơn là một giáo viên thông thường. Anh đang giảng dạy tại trường tiểu học và cả trung học. Công việc của Ramond giờ đây bận rộn hơn trước vì anh phải di chuyển liên tục giữa nhiều lớp học ở nhiều trường và cấp học khác nhau, nhưng Ramond luôn áp dụng một quy tắc nhất quán: Học sinh trong lớp của Ramond đều có sự cộng tác với nhau rất tốt.
Tăng cường sự cộng tác trong lớp học luôn mang lại hiệu quả hơn cả mong đợi. Công việc của một giáo viên không chỉ là giảng dạy mà còn tạo ra một nền văn hóa, mà trong đó tinh thần đồng đội luôn ở vị trí trung tâm trong mọi việc bạn làm. Ramond chỉ ra 3 phương thức cộng tác trong lớp học: Giữa các học sinh; Giữa giáo viên và học sinh; Giữa học sinh và bản thân các em.
Học sinh cần được trao quyền tự do thảo luận về ý tưởng, học hỏi lẫn nhau và cùng chia sẻ sai lầm mang tính tập thể. Các em nên có thời gian để làm điều này mỗi ngày. Trong cuộc sống hàng ngày, người lớn cộng tác và giao tiếp với nhau trên nhiều công việc khác nhau, và vì vậy học sinh cũng nên áp dụng điều tương tự.
Sự cộng tác có thể được bắt đầu bằng cách thiết lập các nguyên tắc nghiêm ngặt cho cuộc trò chuyện trong lớp học. Giáo viên sẽ chủ động đưa ra những chủ đề thú vị và đảm bảo cuộc trò chuyện giữa các học sinh trong lớp diễn ra theo nguyên tắc. Ví dụ, mỗi nhóm sẽ nhận đề tài khác nhau để cùng phân tích. Sau đó giáo viên yêu cầu từng nhóm trình bày kết quả và trả lời chất vấn từ các nhóm khác.
Thúc đẩy khả năng tự vươn lên
Khi thúc đẩy sự cộng tác trong lớp học, giáo viên cần yêu cầu học sinh áp dụng sớm và thường xuyên. Ramond chia sẻ, anh rất thích cuộc khảo sát bất thình lình cho học sinh vào những thời điểm khác nhau trong năm. Kết quả gần như luôn làm anh ngạc nhiên. Ramond đã làm được điều không tưởng khi áp dụng một phương thức giáo dục cơ bản và đơn giản: Lắng nghe ý kiến của học sinh. Ngoài ra, để học sinh có sự tiến bộ vượt bậc, giáo viên cũng có thể khuyến khích các em sử dụng phần mềm SeeSaw. Học sinh có thể chụp hình các bài tập để tự đánh giá và sau đó phản ánh quá trình học tập của riêng mình cho giáo viên cũng như phụ huynh của các em.
Giáo viên cần chủ động tổ chức các cuộc họp thường xuyên nhằm giúp học sinh phát triển mục tiêu cho năm học. Trong những cuộc họp này, giáo viên và học sinh cùng thảo luận, đánh giá về sự tiến bộ của mình. Sau mỗi cuộc họp, học sinh sẽ tự suy ngẫm, từ đó phát triển mối quan hệ đáng tin cậy nơi giáo viên để cùng vươn lên.
Vai trò không thể thay thế của giáo viên
Với việc công nghệ ngày càng phát triển, giáo viên và học sinh càng có nhiều cơ hội “gặp gỡ” nhau trên mạng. Theo một cách nào đó, đây là mặt tích cực. Công nghệ đã thực sự hòa nhập vào môi trường giáo dục, nó giải phóng giáo viên khỏi nhiều công việc vất vả, ví như đi gặp từng học sinh để trò chuyện.
Ngày nay, học sinh dành nhiều thời gian trước màn hình phẳng, giáo viên giao tiếp và tương tác với học trò bằng nhiều công cụ hiện đại. Điều này khiến việc giảng dạy trở nên hiệu quả hơn. Theo quan điểm của Ramond, các nhà giáo dục cần không ngừng cải thiện cách họ giao tiếp với học sinh, sinh viên. Công nghệ sẽ hỗ trợ họ làm điều này. Tuy nhiên, điều quan trọng là các nhà giáo dục cần đặt mục tiêu huấn luyện và lan tỏa sự cộng tác giữa các học sinh trong lớp một cách thường xuyên. Mặc dù có vô số cách hấp dẫn và hiệu quả để giảng dạy trực tuyến, nhưng việc giáo viên đứng trên bục giảng mới mang lại giá trị thực cho giáo dục.