Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu nguyên nhân tăng trưởng tín dụng chưa cao

GD&TĐ - Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, do đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm.

Thủ tướng khẳng định ngân hàng phải chia sẻ với người dân, doanh nghiệp. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Thủ tướng khẳng định ngân hàng phải chia sẻ với người dân, doanh nghiệp. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Sáng 7/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

4 lần giảm lãi suất điều hành

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm đến nay, NHNN 4 lần giảm lãi suất điều hành.

Đến nay mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các Ngân hàng thương mại (NHTM) giảm khoảng hơn 2%/năm so với cuối năm 2022.

Dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

NHNN cũng đã phân bổ "room tín dụng" 14,5% cho các ngân hàng.

Mặc dù triển khai nhiều giải pháp và đã đóng góp tích cực thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn chưa như kỳ vọng đặt ra.

Đến 30/11/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022 thấp hơn so với cùng kỳ các năm.

Theo Phó Thống đốc NHNN, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao chủ yếu từ các yếu tố khách quan, như: Đầu tư sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng.

Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong khi việc triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV... chưa phát huy hiệu quả.

Khó khăn từ thị trường bất động sản tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản trong khi tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 21% trong tổng tín dụng chung.

Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả tổ chức tín dụng (TCTD), nên rất khó khăn trong quyết định cho vay.

Phó Thống đốc cho biết, qua công tác thanh tra, giám sát, khách hàng vay có tình hình tài chính kém lành mạnh, sử dụng vốn vay sai mục đích, đầu tư, kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến không trả được nợ vay; khả năng huy động vốn trung, dài hạn của các tổ chức tín dụng còn thấp so với nhu cầu của nền kinh tế.

Nợ xấu có xu hướng tăng tại một số TCTD, làm hạn chế khả năng cấp tín dụng.

Xử lý nợ xấu còn khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm, tài sản giữ hộ, trong đó phần lớn là nhà và đất, việc áp dụng thủ tục rút gọn theo yêu cầu của Tòa án theo Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội, còn gặp khó khăn, chưa thực hiện được.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan, Phó Thống đốc thẳng thắn chỉ ra còn có nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng. Đó là mặc dù lãi suất cho vay của các TCTD đã giảm đáng kể trong thời gian qua, tuy nhiên lãi suất cho vay ở một số NHTM còn ở mức khá cao.

Một số ngân hàng thiếu mạnh dạn cấp tín dụng, còn thận trọng, lo sợ nợ xấu tăng.

Việc thực hiện cơ chế tài sản đảm bảo (TSĐB) còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp. Thiếu sự kết nối của khách hàng và ngân hàng để trực tiếp trao đổi, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn.

Mỗi chủ thể cần có trách nhiệm

Tại Hội nghị, Thủ tướng khẳng định ngân hàng, doanh nghiệp nằm trong một hệ sinh thái kinh tế. Sự phát triển của ngân hàng và doanh nghiệp có liên quan đến nhau và liên quan đến sự phát triển của nền kinh tế.

Nền kinh tế có phát triển thì ngân hàng và doanh nghiệp mới phát triển và ngược lại, ngân hàng và doanh nghiệp có phát triển thì đất nước mới phát triển.

Mỗi người, mỗi chủ thể phải cùng có trách nhiệm, góp gió thành bão để đất nước vượt qua khó khăn, thì bản thân mỗi người, mỗi chủ thể mới vượt qua khó khăn được, mới có sự phát triển chung.

“Ngân hàng cũng có lúc thuận lợi, có lợi nhuận, vậy thì lúc khó khăn phải chia sẻ với người dân, với doanh nghiệp”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cho biết, để tìm ra lời giải cho bài toán tín dụng, cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng phát triển, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", mỗi đại biểu cần phát biểu thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhau; phát huy đoàn kết để cùng đóng góp và cần cả sự hy sinh, nhường nhịn; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Blog Credit card Chia sẻ kiến thức thẻ tín dụngTìm hiểu sàn vay vốn Mở thẻ tín dụng không chứng minh thu nhập bằng cách gì