Thúc đẩy sự liên kết - chìa khóa xây dựng nhân lực ngành bán dẫn chất lượng cao

GD&TĐ - Hiện nay, khoa học và công nghệ, nhất là lĩnh vực điện tử, bán dẫn, vi mạch phát triển mạnh mẽ đòi hỏi nguồn nhân lực rất lớn.

Lễ ký kết đào tạo Công nghệ bán dẫn giữa Trường Đại học Khoa học và Đại học Minh Truyền Đài Loan.
Lễ ký kết đào tạo Công nghệ bán dẫn giữa Trường Đại học Khoa học và Đại học Minh Truyền Đài Loan.

Vì vậy, các trường đại học đã và đang tích cực triển khai hoạt động đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Lĩnh vực cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Tháng 1/2025, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn trên địa bàn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể đến năm 2030, chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng, nhân lực và các điều kiện khác phục vụ nghiên cứu, sản xuất và đào tạo trong lĩnh vực bán dẫn để thu hút đầu tư.

Thu hút tối thiểu 1 dự án đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, kết hợp/phối hợp với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước để hỗ trợ đào tạo nguồn giảng viên và kỹ sư tài năng cho tỉnh Thái Nguyên (khoảng 20 lượt mỗi năm).

Mỗi năm tuyển và đào tạo khoảng 300 nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn; đào tạo chuyển đổi khoảng 1.000 nhân lực ngành liên quan (gần) sang ngành công nghiệp bán dẫn; số lượng người tốt nghiệp các ngành khoảng 2.000 nhân lực.

Đến năm 2050, từng bước khẳng định thương hiệu của Thái Nguyên như một trung tâm công nghệ cao của khu vực và cả nước để góp phần thu hút đầu tư, tạo ra các cơ hội phát triển mới và củng cố vị thế của tỉnh trên bản đồ công nghệ quốc gia và quốc tế.

sinh-vien-dai-hoc-khoa-hoc.jpg
Tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu mỗi năm tuyển và đào tạo khoảng 300 nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn

Để thực hiện các mục tiêu này, tỉnh Thái Nguyên xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, AI.

Đại học Thái Nguyên hiện có 3 trường thành viên đã triển khai đào tạo ngành nghề phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, AI gồm trường Đại học nghệ thông tin và Truyền thông; trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp; trường Đại học Khoa học.

PGS.TS Phùng Trung Nghĩa – Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông chia sẻ: Công nghiệp bán dẫn đã trở thành lĩnh vực cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của công nghệ điện tử và đóng góp vào sự tiến bộ của xã hội và kinh tế.

Công nghệ vi mạch bán dẫn không chỉ dừng lại ở ứng dụng trong các lĩnh vực điện tử tiêu dùng, nó đã mở ra cửa cho nhiều ứng dụng khác nhau như trí tuệ nhân tạo, y tế số, IoT (Internet of Things), ..., và nhiều lĩnh vực công nghiệp khác.

​Xác định lĩnh vực vi mạch bán dẫn là lĩnh vực quan trọng, chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cũng đẩy mạnh đầu tư phát triển. Do vậy, năm 2025 là năm thứ hai nhà trường tuyển sinh chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Đây là một bước đi quan trọng để đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường và phù hợp với chính sách phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

PGS.TS Phùng Trung Nghĩa cho biết: Bên cạnh các cơ sở vật chất dùng chung và phòng thí nghiệm cơ sở, nhà trường đã đầu tư thêm các phòng thí nghiệm chuyên sâu cho thiết kế vi mạch, đặc biệt là các phần mềm thiết kế vi mạch và phần mềm thiết kế các mạch tích hợp và kiểm tra các mô hình vi mạch).

Trường còn tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn để cung cấp cơ hội thực tập, dự án thực tế và các hội thảo chuyên đề. Ngoài ra, trường còn khuyến khích sinh viên và giảng viên tham gia các dự án nghiên cứu và phát triển vào các vấn đề thực tiễn và công nghệ mới.

“Sinh viên theo học CTĐT vi mạch bán dẫn tại trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông sẽ được đào tạo theo định hướng ứng dụng, 100% các môn học chuyên ngành đều có khối lượng thực hành. Ứng dụng công nghệ thông tin trong Thiết kế, chế tạo vi mạch bán dẫn; Kiểm tra, kiểm thử thiết kế vi mạch bán dẫn". PGS.TS Phùng Trung Nghĩa chia sẻ thêm.

Tăng cường xây dựng hệ sinh thái kết nối

Đối với Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) với mục tiêu đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, năm 2025, nhà trường tiếp tục tuyển sinh ngành Công nghệ bán dẫn.

ts-le-van-hoang-vien-khcn-truong-dhkh-van-hanh-thiet-bi-do-hieu-suat-luong-tu.jpg
TS. Lê Văn Hoàng, Viện Khoa học & Công nghệ, Trường Đại học Khoa học vận hành thiết bị đo hiệu suất lượng tử.

Để thu hút, khuyến khích sinh viên học ngành Công nghệ bán dẫn trường Đại học Khoa học đã tăng cường trao học bổng, miễn giảm học phí cho sinh viên giỏi và có hoàn cảnh khó khăn… Phối hợp với doanh nghiệp, các tổ chức tài trợ để cấp học bổng cho sinh viên có thành tích học tập tốt và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Thông qua việc hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực điện tử, công nghệ cao như Samsung, Boway, Sunny,... Nhà trường xây dựng chương trình đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn. Đồng thời gửi sinh viên đi thực tập, trải nghiệm thực tế ngay từ năm 2, năm 3, tạo tiền đề tốt cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Nhà trường còn ký kết đào tạo (theo mô hình 2+2) với Đại học Minh Truyền (Đài Loan) – là một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu tại châu Á, cho phép sinh viên học tập và nhận bằng quốc tế, thực tập tại doanh nghiệp lớn như TSMC, ASUS...

PGS.TS Nguyễn Văn Đăng - Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) chia sẻ: Song song với việc cập nhật chương trình đào tạo theo xu hướng phát triển của ngành với sự tham gia góp ý từ chuyên gia doanh nghiệp, nhà khoa học… Nhà trường còn chú trọng đầu tư phòng thí nghiệm chuyên ngành công nghệ vật liệu bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch...

Đồng thời, thường xuyên cử cán bộ, giảng viên đi học tập nâng cao trình độ, đầu tư, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hội thảo chuyên môn và khuyến khích CLB chuyên ngành khoa học vật liệu của sinh viên.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đăng, Đại học Thái Nguyên hiện có 3 trường thành viên đang đào tạo ngành Công nghệ bán dẫn, mỗi trường lại có một thế mạnh riêng. Do đó, để đáp ứng yêu cầu trong đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các đơn vị cần có sự liên kết, hợp tác “bắt tay” tiến tới có sự giao thoa trong chương trình đào tạo để dành những điều tốt nhất cho sinh viên, như các em theo học ngành này sẽ được dùng chung nguồn lực về cơ sở vật chất, được hướng dẫn, giảng dạy bởi những giảng viên hàng đầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quảng bá di sản thông qua TikTok, chương trình 'Nét đẹp Việt' mong muốn lan tỏa vẻ đẹp Việt Nam đến với cộng đồng trong và ngoài nước.

Công nghệ kết nối di sản Việt ra thế giới

GD&TĐ - Sáng kiến sử dụng công nghệ nền tảng TikTok để lan tỏa vẻ đẹp di sản đang được Quỹ Hỗ trợ Bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam hiện thực hóa thông qua chương trình “Nét đẹp Việt mùa 3: Chạm vào di sản”.