Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh: Cần chính sách linh hoạt

GD&TĐ - Nhiều doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh đang nhắm đích đến là Việt Nam.

GEFE 2024 là cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư và phát triển kinh tế xanh.
GEFE 2024 là cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư và phát triển kinh tế xanh.

Nhiều doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh đang nhắm đích đến là Việt Nam. Họ mong chờ cơ chế, chính sách phù hợp để an tâm đầu tư lâu dài và phát triển bền vững.

Cơ hội doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với EU

Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) tổ chức Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh năm 2024 (GEFE 2024). GEFE 2024 diễn ra từ ngày 21 - 23/10/2024.

Việt Nam trở thành quốc gia có thị phần xuất khẩu vào EU lớn nhất trong khu vực ASEAN. 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 24,7 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu từ EU đạt 7,7 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023. Về hợp tác đầu tư, EU là khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 6 tại Việt Nam với 2.450 dự án, tổng số vốn đầu tư lũy kế đạt hơn 28 tỷ euro. Thời gian qua, tuy dòng vốn FDI toàn cầu đang suy giảm, các doanh nghiệp EU vẫn nghiên cứu và triển khai các dự án đầu tư quan trọng tại Việt Nam.

Diễn đàn có sự tham dự của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; bà Phan Thị Thắng Thứ trưởng Bộ Công Thương… Về phía châu Âu có ông Margaritis Schinas, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC); ông Ville Tavio, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Hợp tác Phát triển Phần Lan…

Diễn đàn GEFE 2024 là sự kiện quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội lắng nghe, tiếp cận và mở rộng thị trường với các đối tác, chuyên gia, lãnh đạo hàng đầu châu Âu trong các lĩnh vực: Công nghiệp, nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, xây dựng công trình xanh…

Sự kiện có sự góp mặt của hơn 200 doanh nghiệp và gian hàng triển lãm, thuộc các lĩnh vực: Năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, nông nghiệp bền vững, kinh tế tuần hoàn, xử lý nước, rác thải, môi trường…; các sản phẩm và giải pháp liên quan đến chủ đề của Triển lãm.

Bên cạnh đó có hơn 30 phiên thảo luận trải dài trên 10 chuyên đề xanh, tập trung vào chuyên môn, công nghệ và các vấn đề chính sách, quy định liên quan đến phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, thị trường carbon, cắt giảm khí nhà kính của các doanh nghiệp.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề cập đến các chính sách và biện pháp mà Việt Nam đã và đang thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bền vững và sự hợp tác với EU trong lĩnh vực này. Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn khẳng định: “Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với EU trong các lĩnh vực như: Tài chính, công nghệ, phát triển thị trường xanh. Hai bên sẽ tiếp tục triển khai các dự án hợp tác trong lĩnh vực phát triển bền vững và các chương trình hợp tác với EU, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững tại Việt Nam”.

Nhận định về GEFE 2024, ông Margaritis Schinas - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết, GEFE là nền tảng kết nối giữa các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam có thế mạnh về chuyển đổi xanh. Việc hợp tác cùng thực hiện các cam kết của chuyển đổi xanh là cơ hội để Việt Nam và EU tạo ra sự khác biệt trong quan hệ giữa hai bên.

Chính sách mở, linh hoạt

Tại diễn đàn, ông Margaritis Schinas - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) đưa ra nhận định về những lợi thế của Việt Nam sẽ gặt hái được khi thu hút đầu tư vào kinh tế xanh. Tuy nhiên, ông Margaritis Schinas nhấn mạnh, điều quan trọng là cần đơn giản hóa khâu thủ tục, giảm thiểu những quy định để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Việt Nam cũng đang dần thúc đẩy các chính sách, khung pháp lý liên quan đến đầu tư kinh tế xanh.

Ông Alain Cany - Trưởng ban Tổ chức GEFE 2024, Chủ tịch Hội đồng cố vấn EuroCham phân tích, châu Âu hiện đã trở thành một thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu lớn nhất từ ASEAN sang châu Âu.

Để duy trì vị thế dẫn đầu này và tiếp tục phát triển, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tại Việt Nam cần nhận thức rõ về bối cảnh các quy định mới, đặc biệt là những thách thức và cơ hội mà “Thỏa thuận xanh” châu Âu mang lại.

Trưởng nhóm Công tác điện và năng lượng VBF, ông John Rockhold đưa ra đánh giá cao về những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức về chính sách, ban hành các quy định quan trọng góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi xanh.

Ông Rockhold dẫn chứng, tháng 7/2024 Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 3/7/2024 quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA). Cơ chế DPPA sẽ khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào các dự án năng lượng tái tạo.

Đối với doanh nghiệp trong nước, việc chuyển đổi kinh tế xanh còn non trẻ. Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) bày tỏ sự khó khăn về tài chính xanh trong việc huy động nguồn tài chính, trong đó bao gồm cả huy động vốn hoặc tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi.

Theo ông Trường, điều này xuất phát từ khung pháp lý tài chính xanh chưa hoàn thiện (như trường hợp thị trường trái phiếu xanh) và công cụ huy động tài chính xanh mới chưa được triển khai (như trường hợp thị trường giao dịch tín chỉ carbon).

Tiến sĩ Bùi Duy Tùng - Đại học RMIT cho rằng, để tạo điều kiện cho sự chuyển đổi xanh, Chính phủ cần thiết lập các cơ chế hỗ trợ tài chính, bao gồm việc cấp tài trợ, cho vay lãi suất thấp và ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào những công nghệ bền vững và phương thức thân thiện với môi trường.

“Chính phủ nên khuyến khích nhập khẩu công nghệ sạch, công nghệ cao và công nghệ tái tạo. Điều này có thể thực hiện thông qua giảm thuế quan hoặc ưu đãi khác. Ngoài ra, nên phát triển các khu công nghiệp bền vững.

Nhất là cần theo đuổi chiến lược xây dựng một số khu công nghiệp dệt may lớn với chính sách ưu đãi cho các dự án quy mô lớn của các nhà đầu tư uy tín, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường”, Tiến sĩ Bùi Duy Tùng đưa ra quan điểm.

“Dòng tiền đầu tư cho kinh tế xanh sẽ ‘mở hầu bao’ đổ vào Việt Nam nếu như những rủi ro được kiểm soát. Đặc biệt là cần có cơ chế chính sách thông thoáng hơn. Điều này đang cần vai trò của các nhà làm luật ở Việt Nam và lộ trình rõ ràng hơn trong chính sách đầu tư kinh tế xanh nhằm giảm thiểu rủi ro cho giới đầu tư khi rót vốn vào. Một khi ngân hàng rót tiền cho những dự án xanh thì họ cũng phải quản lý được các rủi ro, nhất là với các khoản vay triệu USD”, ông Eric Lim - Giám đốc Ngân hàng UOB (Singapore) nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trào lưu 'bắt pen' đang nhận được sự chú ý trên mạng xã hội. Ảnh: INT.

Nguy cơ tử vong từ 'bắt pen'

GD&TĐ - Những ngày qua, trào lưu 'bắt pen' đang là từ khoá top trending được tìm kiếm và thực hiện rất nhiều bởi các bạn trẻ trên mạng xã hội.

Phụ huynh châu Á muốn con học trường tư quốc tế.

Phụ huynh châu Á thích trường tư

GD&TĐ - Trong bối cảnh toàn cầu hoá giáo dục, các gia đình ở châu Á như Malaysia, Nhật Bản... ngày càng quan tâm đến các trường tư thục tại nước ngoài.