(GD&TĐ)-Năm 2011, nhiều chính sách phát triển giáo dục đối với những vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn đã được ban hành.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự Lễ khai giảng của trường PTDTNT Hà Nội. Ảnh, gdtd.vn |
Ngày 2/11, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1951/QĐ-TTg về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề của các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi của các tỉnh giáp Tây Nguyên (gọi tắt là vùng Tây Nguyên) giai đoạn 2011 – 2015.
Theo đó, bổ sung đối tượng giáo viên dạy nghề thường xuyên xuống thôn, buôn dạy nghề được hưởng phụ cấp lưu động như giáo viên thực hiện xóa mù chữ, phổ cập giáo dục.
Đối tượng giáo viên dạy nghề cho học sinh, sinh viên học nghề nội trú được hưởng chính sách như nhà giáo dạy ở trường chuyên biệt; đối tượng giáo viên ở các cơ sở dạy nghề vừa dạy lý thuyết, vừa dạy thực hành được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề. Triển khai thực hiện chính sách khuyến khích nhà giáo dạy học ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giáo dục hòa nhập.
Cũng theo quyết định này, sẽ ưu tiên đầu tư cho Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Đại học Đà Lạt phát triển theo hướng đa ngành, từng bước mở thêm ngành nghề đạo tạo mới theo nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của vùng. Đồng thời, ưu tiên đầu tư đồng bộ các yếu tố đảm bảo chất lượng dạy nghề cho một số nghề ở Trường cao đẳng nghề Đà Lạt và Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên đạt trình độ quốc tế; các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề còn lại được đầu tư đồng bộ từ 2-5 nghề đạt chuẩn quốc gia. Tăng cường đầu tư xây dựng ký túc xá trong giai đoạn 2011 - 2015 để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học trong vùng; đảm bảo chỗ ở nội trú cho tối thiểu 60% học sinh, sinh viên...
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2011-2015. Trong đó, bổ sung nhiều chính sách ưu đãi đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và người học.
Cụ thể, bên cạnh việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo các quy định hiện hành của Nhà nước; thực hiện chính sách bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục và đào tạo, chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo theo quy định hiện hành, tại quyết định này đã bổ sung đối tượng giáo viên dạy nghề thường xuyên xuống thôn, phum, sóc dạy nghề được hưởng chế độ phụ cấo lưu động như giáo v iên thực hiện xóa mù chữ, phổ cập giáo dục.
Đối tượng giáo viên dạy nghề cho học sinh, sinh viên học nghề nội trú được hưởng chính sách như nhà giáo dạy ở trường chuyên biệt; đối tượng giáo viên ở các cơ sở dạy nghề vừa dạy lý thuyết, vừa dạy thực hành được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề.
Đối với người học, tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên cho HSSV, học viên là người dân tộc thiểu số nói chung và người Khmer nói riêng (ưu tiên về điều kiện tuyển sinh, cử tuyển, dự bị, đào tạo theo địa chỉ).
Tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP; hỗ trợ tiền ăn trưa theo quy định tại Quyết định số 239/QĐ-TTg; vay vốn tín dụng HSSV theo quy định tại Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg và các chính sách khác theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Bổ sung đối tượng hưởng chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú theo Quyết định số 276/2005/QĐ-TTg. Người lao động sau khi học nghề được vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm.
Bổ sung một số chính sách đặt hàng dạy nghề đối với người học các nghề để thúc đẩy đưa công nghiệp về nông thôn, giải quyết việc làm, chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn và các nghề khó tuyển sinh.
Ngày 21/9, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án củng cố, phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011- 2015. Đề án được phê duyệt với kinh phí hơn 4.153 tỷ đồng nhằm củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT ở TƯ, cấp tỉnh và cấp huyện đáp ứng yêu cầu tạo nguồn đào tạo cán bộ cho miền núi, vùng dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo đó, Nhà nước ưu tiên đầu tư, bên cạnh việc thực hiện xã hội hóa huy động các nguồn lực cùng tham gia củng cố, phát triển hệ thống trường PTDTNT. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường PTDTNT theo hướng trường trung học đạt chuẩn quốc gia và đảm bảo các điều kiện giáo dục đặc thù, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Theo đề án, sẽ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường PTDTNT theo hướng trường trung học đạt chuẩn quốc gia và đảm bảo các điều kiện để nuôi dạy học sinh nội trú. Phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 30% số trường PTDTNT đạt chuẩn quốc gia.
Song song với đó, sẽ nâng cao năng lực nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ CBQL-GV các trường PTDTNT, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục và quản lý tại các trường PTDTNT. Đồng thời, tăng cường các điều kiện hỗ trợ hoạt động giáo dục và công tác quản lý trường PTDTNT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
PV